(HNM) - Vòng đàm phán gián tiếp về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Palestine với sự trung gian hòa giải của Ai Cập - dự kiến sẽ nối lại vào nửa cuối tháng này tại thủ đô Cairo - đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Các cuộc xung đột liên tiếp trong nhiều ngày qua giữa lực lượng an ninh Israel và người Palestine quá khích tại khu vực ngôi đền cổ linh thiêng Al-Aqsa ở Đông Jerusalem khiến quan hệ Israel và Palestine ngày càng xấu đi.
Đền thờ Al-Aqsa đang trở thành điểm nóng về an ninh giữa Israel và Palestine. |
Bạo lực đã bùng phát tại nhiều khu vực lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng sau khi Tel Aviv đóng cửa ngôi đền cổ Al-Aqsa và ngăn người Palestine vào cầu nguyện. Theo cáo buộc của Palestine, những cuộc xung đột bạo lực gần đây tại ngôi đền linh thiêng này là do các phần tử "cực đoan", được sự hậu thuẫn của Chính phủ Israel kích động, với mục tiêu đẩy khu vực vào một cuộc xung đột tôn giáo. Bầu không khí căng thẳng tại điểm nóng Al-Aqsa đã không ngừng tăng nhiệt sau khi cảnh sát Israel bắn chết một người Palestine bị tình nghi bắn trọng thương Yehuda Glick, nhà hoạt động người Israel đang vận động cho phép người Do Thái tới cầu nguyện tại khu đền thờ nói trên. Không dừng lại ở đó, một nhóm bộ trưởng và nghị sĩ Israel còn yêu cầu chính phủ nước này dỡ bỏ lệnh cấm người Do Thái được cầu nguyện tại khu đền thờ này. Một số chính khách Israel đã công khai tới ngôi đền Al-Aqsa, hành động mà người Palestine cho là khiêu khích và bị phản đối bằng bạo lực.
Từ lâu, Al-Aqsa là địa điểm được người Hồi giáo rất tôn kính. Đây được coi là nơi linh thiêng thứ ba của người theo đạo Hồi và cũng là khu vực gây tranh cãi quyết liệt trong cuộc xung đột giữa người Do Thái và Arab. Hiện người Do Thái được phép đến thăm khu đền Al-Aqsa nhưng không được cầu nguyện vì lo ngại sẽ gây xích mích giữa các nhóm tôn giáo tại một trong những thánh địa nhạy cảm nhất ở Trung Đông.
Theo Hiệp ước Hòa bình Israel - Jordan (ký kết năm 1994), Jordan có quyền quản lý các địa điểm Hồi giáo linh thiêng ở Đông Jerusalem. Trước tình trạng bạo lực gia tăng tại đền Al-Aqsa, Jordan đã triệu hồi đại sứ nước này tại Israel nhằm phản đối chính sách làm leo thang căng thẳng của chính quyền Tel Aviv. Trong thư gửi lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây, Jordan đã lên án cuộc tấn công của lực lượng an ninh Israel tại đền thờ Al-Aqsa, làm hư hại một phần khuôn viên ngôi đền. Thủ tướng Jordan Abdullah Ensour coi hành động của Israel là xâm phạm khu thánh địa linh thiêng. Cùng với Jordan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng lên tiếng chỉ trích cuộc xung đột khi cho rằng, nếu Israel còn tiếp tục các chính sách hiện nay sẽ dẫn đến sự đối đầu tôn giáo trong khu vực. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khuôn khổ quốc tế để buộc Israel mở cửa trở lại ngôi đền linh thiêng này cho những người Hồi giáo tới cầu nguyện. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman tại Jerusalem mới đây, tân đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini đã cảnh báo về làn sóng bạo lực mới giữa Israel với Palestine nếu đàm phán hòa bình Trung Đông không đạt tiến triển. Bà Mogherini cũng coi việc Israel xây nhà định cư trên những vùng đất của người Palestine là một "trở ngại" cho tiến trình hòa đàm.
Cảnh báo của bà F.Mogherini được đưa ra trong bối cảnh ngày 5-11 vừa qua, Ủy ban Xây dựng và kế hoạch thành phố Jerusalem của Israel thông qua kế hoạch xây dựng 278 nhà định cư ở Đông Jerusalem. Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần Israel phê chuẩn kế hoạch xây dựng thêm nhà định cư ở vùng lãnh thổ chiếm đóng của người Palestine từ năm 1967. Theo kế hoạch trên, 216 nhà định cư sẽ được xây dựng ở khu vực Ramot, nằm ngoài khu vực biên giới được phân định trước năm 1967 và 62 nhà sẽ được xây ở khu vực Har Homa. Theo Người phát ngôn Phủ Tổng thống Palestine Nabil Abu Rdineh, hành động của Tel Aviv là nhằm trả đũa việc cộng đồng quốc tế, mà điển hình là Thụy Điển mới đây đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine và quyền tự chủ của nhân dân Palestine.
Cuộc xung đột giữa người Do Thái và người Palestine được coi là dai dẳng nhất và dễ bùng phát nhất thế giới. Các vụ bạo lực liên quan đến ngôi đền linh thiêng Al-Aqsa như đổ thêm dầu vào lửa mối quan hệ vốn không ngớt căng thẳng giữa Israel và Palestine. Với những diễn biến mới nhất, dư luận lo ngại cuộc xung đột Palestine - Israel sẽ kéo khu vực vào một cuộc chiến tranh tôn giáo, làm leo thang căng thẳng tại Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.