Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Đông: “Thùng thuốc súng” có thể bùng nổ

Thanh Hải| 13/03/2012 06:14

(HNM) - Vòng xoáy bạo lực đang đẩy xung đột ở Trung Đông leo thang và vượt tầm kiểm soát. Chỉ trong 4 ngày qua (từ 9 đến 12-3), các đợt không kích của Israel vào thành phố Gaza của Palestine đã làm 35 người thiệt mạng và 26 người bị thương.

Theo Tel Aviv, các cuộc oanh tạc là nhằm trả đũa việc các lực lượng Palestine bắn hơn 100 quả rocket và đạn cối vào khu vực Eshkol ở miền Nam Israel, làm 4 người bị thương. Nhóm Hồi giáo Jihad đã tuyên bố nhận trách nhiệm về hầu hết các vụ bắn rocket này. Trong chuyến công du tới miền Nam Israel, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngày 11-3 đã ra lệnh cho quân đội bắn trả tất cả những ai muốn tấn công nhà nước Do Thái; đồng thời, Tel Aviv sẽ tăng cường hệ thống phòng thủ tiền tiêu, trong đó có hệ thống phòng thủ Vòm Sắt, để đánh chặn mọi cuộc tấn công bằng rocket trong tương lai.

Các cột khói bốc cao sau cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza.

Đây là đợt leo thang xung đột đẫm máu nhất giữa Israel và Palestine tại dải Gaza trong vòng 3 năm qua. Hành động của cả hai bên khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại. Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công đẫm máu của Israel vào dải Gaza và kêu gọi thế giới gác lại bất đồng để cùng lên án "các cuộc tấn công trả đũa" của Nhà nước Do Thái. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington "đặc biệt quan ngại về tình trạng tái diễn bạo lực tại miền Nam Israel" và "lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất mọi cuộc tấn công rocket từ dải Gaza".

Căng thẳng gia tăng khi ngày 11-3, cả Palestine và Israel đều lên tiếng đòi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) phải hành động. Trong một lá thư gửi HĐBA, Israel đã chỉ trích cộng đồng quốc tế "làm ngơ" trước các vụ pháo kích từ dải Gaza. Trong khi đó, Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour nêu rõ, HĐBA phải hành động ngay để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này; đồng thời cáo buộc Israel đang làm cho tình trạng bạo lực và khủng bố leo thang.

Dư luận cho rằng, các cuộc không kích đã phủ bóng đen lên những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong kiếm tìm giải pháp cho xung đột tại Trung Đông. Bởi cùng thời gian này, ngày 12-3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Liên minh Châu Âu (EU) Catherine Ashton bắt đầu cuộc họp để thảo luận về tình trạng bế tắc trong tiến trình hòa bình Israel - Palestine, chuẩn bị cho hội nghị cấp cao đầu tiên trong tháng 6 tới của Nhóm "Bộ Tứ" quốc tế về hòa bình Trung Đông (gồm: Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu, Nga và Mỹ). Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất đã không mang đến cho các nhà quan sát một hy vọng lạc quan nào.

Hơn 1 năm qua, tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông đã rơi vào bế tắc. Hồi đầu năm 2011, Palestine và Israel đã tiến hành đàm phán tại Jordan song không đạt được tiến triển nào. Phía Israel cho rằng hai bên có thể đạt được tiến bộ qua các cuộc đàm phán cấp thấp do Jordan bảo trợ và chuẩn bị một gói hỗ trợ kinh tế cho Palestine để duy trì đàm phán. Nhưng, tiến trình này đã bị trì hoãn sau khi Israel tiếp tục xây khu định cư trên vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Hồi đầu tháng 3 này, Palestine thông qua Jordan đã chuyển một thông điệp tới Israel, trong đó nhắc lại những điều kiện để nối lại đàm phán hòa bình như: chấp nhận giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới năm 1967 và ngừng hoàn toàn việc xây dựng khu định cư Do Thái tại các khu vực tranh chấp, trong đó có Đông Jerusalem... Thế nhưng, các điều kiện này không nhận được cái "gật đầu" của chính quyền Do Thái.

Trong khi đó, nội bộ Palestine cũng có không ít vấn đề. Các cuộc gặp giữa đại diện hai phong trào Hamas và Fatah trong những ngày qua đã không đạt được tiến triển nào để đi đến thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết, được hai bên ký ngày 6-2 tại Doha (Qatar). Nguyên nhân là do những bất đồng liên quan đến an ninh và quyền tự quyết của mỗi bên.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực và khả năng đối thoại tiếp tục vơi cạn, cộng đồng quốc tế lo ngại "thùng thuốc súng" Trung Đông có thể bùng nổ nếu các bên liên quan và cộng đồng quốc tế không tìm được một giải pháp hữu hiệu giúp lắng dịu tình hình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Đông: “Thùng thuốc súng” có thể bùng nổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.