(HNM) - Bàn cờ của các nước lớn tại Trung Đông có thể xuất hiện những bước xoay chuyển đáng kể trong thời gian tới. Đây là nhận định của nhiều nhà phân tích quốc tế sau khi các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-34 của Nga được phép sử dụng căn cứ không quân Hamadan của
Đây là lần đầu tiên oanh tạc cơ của Nga sử dụng một căn cứ ở Iran để tấn công phiến quân tại Syria; lần đầu tiên kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 Iran cho phép cường quốc nước ngoài sử dụng lãnh thổ của họ cho các hoạt động quân sự. Quan trọng hơn, động thái này cho thấy, Mátxcơva không hề có ý định giảm bớt tham vọng cả về quân sự và chính trị ở Trung Đông.
Với việc sử dụng căn cứ Hamadan của Iran, Nga sẽ làm thay đổi bàn cờ chiến lược quân sự tại Trung Đông. |
Dù lâu nay, Nga vẫn sử dụng căn cứ quân sự Khmeimim ở Latakia, Syria nhưng cơ sở vật chất tại căn cứ này không phù hợp để triển khai các máy bay ném bom cỡ lớn. Trước đây, trong chiến dịch không kích các mục tiêu quan trọng ở Syria, chiến đấu cơ của Nga phải bay từ căn cứ ở miền Nam nước này, vượt quãng đường 2.150km để ném bom và quay về. Nhưng với việc sử dụng căn cứ Hamadan ở Tây Bắc Iran, những oanh tạc cơ có thể rút ngắn tới 60% quãng đường. Điều này đồng nghĩa với việc máy bay ném bom Nga tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, có thể mang nhiều bom hơn và cường độ của các cuộc không kích vào phiến quân ở Syria cũng sẽ tăng lên. Không chỉ vậy, chiến dịch quân sự của Nga tại Syria còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Iraq. Thủ tướng Haider al-Abadi đã tuyên bố, Iraq sẵn sàng cho phép máy bay Nga qua không phận nước này với điều kiện các chiến đấu cơ phải bay sát rìa biên giới, không bay qua các thành phố của Iraq. Nếu như lực lượng của Tổng thống Bashar Al-Assad hoàn toàn kiểm soát được thành phố Aleppo thì khi đó Nga có thể có được những quân bài quan trọng và có sức nặng để "chèo lái" tình hình tại khu vực theo hướng phù hợp với mong muốn của Mátxcơva.
Một yếu tố khác có khả năng củng cố vai trò và ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông là việc bình thường hóa trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành vào giữa tháng 7 vừa qua mà Ankara cho rằng có bàn tay của Mỹ hậu thuẫn. Đối với Nga và các đồng minh, khả năng ngồi lại với Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy một thỏa thuận về cuộc nội chiến Syria là một cơ hội vàng. Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò sống còn trong việc cung cấp quân nhu cho phiến quân đang chống lại Chính phủ của Tổng thống B.Al-Assad. Nếu không có sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, phiến quân - vốn đã mất căn cứ ở miền Nam và đang chuyển hướng sang phía Bắc và TP Aleppo - sẽ suy yếu. Trong bối cảnh quan hệ với Mỹ và phương Tây xấu đi, Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiều lựa chọn. Nếu Nga có thể gây sức ép buộc Ankara thay đổi lập trường đối với Syria, thì khả năng Chính phủ Syria có một chiến thắng là không khó khăn. Nói cách khác, nếu Thổ Nhĩ Kỳ ngả theo Nga thì trật tự Trung Đông do Mỹ nắm giữ kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II chắc chắn sẽ có thay đổi.
Cũng theo giới phân tích, những chuyển động trong quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran - Iraq liên quan đến cuộc chiến tại Syria chắc chắn khiến phương Tây phải “suy nghĩ”, đặc biệt trong thời điểm mối quan hệ của từng quốc gia với phương Tây đều gặp phải những vấn đề riêng. Dù Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu (EU) đã thành công trong việc phát động một loạt cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” ở Trung Đông và Châu Phi, nhưng Nga đang chứng minh cho thế giới thấy, không dễ để có thể lật đổ được chế độ tiếp theo ở Syria và bàn cờ khu vực này sẽ không dễ dàng tuột khỏi tầm kiểm soát của Mátxcơva.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.