Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trưng bày tư liệu, hiện vật quý tại Lễ công bố quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Hoàng Lân| 16/08/2017 10:44

(HNMO) – Ngày 16-8, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ công bố Quyết định 1118/QĐ-TTg ngày 28-7 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đây là sự kiện tổ chức nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trao quyết định cho nhà báo Trần Kim Hoa giữ chức vụ Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (ảnh CTV)


Chào mừng sự kiện thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, đã có nhiều tập thể và cá nhân tham gia hiến tặng hiện vật, tài liệu cho Bảo tàng ngay tại buổi lễ. Sau thành công của 6 lễ phát động hiến tặng hiện vật, tài liệu cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam được tổ chức tại 3 miền Bắc – Trung – Nam trong 3 năm qua, nhiều hiện vật, tư liệu quý đã được quy tập để trưng bày tại bảo tàng.

Đáng lưu ý là các hiện vật giấy và chữ viết, các số báo và tập lưu báo gốc quý xuất bản từ năm 1945 đến trước 1975 như hàng chục tờ báo Trường Sơn của cố nhà báo, Tổng biên tập Lục Văn Thao để lại; các tập bản lưu báo xuất bản trước và trong thời kỳ đổi mới… Ngoài ra, còn có một số hiện vật có giá trị như chiếc máy in sản xuất năm 1966 do Công ty in Việt Lập từ Cao Bằng mang xuống tặng với sự hỗ trợ chuyên chở, bảo dưỡng của Nhà in Tạp chí Cộng Sản. Tiền thân của Công ty in Việt Lập là một cơ sở in của Đảng có nhiệm vụ in tài liệu, truyền đơn và in báo Việt Nam Độc Lập tại chiến khu Cao Bắc Lạng. “Việt Lập” gắn liền tên tuổi với tờ báo Việt Nam Độc lập (số đầu tiên ra ngày 1-8-1941) do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Pắc Bó – Cao Bằng 76 năm trước.

Đặc biệt, BTC còn nhận được 4 pho tượng nhà báo liệt sĩ được đúc bằng đồng có giá trị do nhà điêu khắc Trần Thanh Phong (TP Hồ Chí Minh) thực hiện.

Trong khuôn khổ Lễ Công bố, BTC đã trưng bày giới thiệu 152 tập lưu báo và tạp chí bản gốc và 2 tập lưu báo cắt dán: “Gia đình báo” (gồm 4 quyền) và “Hoàng Sa – Trường Sa” (gồm 1.200 bài báo cắt dán) do nhà báo, nhà sưu tầm Trần Thanh Phương (TP Hồ Chí Minh) hiến tặng.

BTC cho biết, các tư liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam vẫn còn hạn chế nhưng đó là nỗ lớn của BTC. Với lịch sử 152 năm ra đời và phát triển, báo chí Việt Nam chịu nhiều tổn thất, mất mát, thất lạc do điều kiện bất lợi về xã hội, thời gian, khi hậu, môi trường, vì thế việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam với công việc sưu tầm, tập hợp, giữ gìn và bảo quản có hệ thống các tài liệu báo chí là rất cần thiết và đáng được quan tâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trưng bày tư liệu, hiện vật quý tại Lễ công bố quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.