Trúc Bạch bình yên ngày cách ly
Bữa cơm trưa ngày đầu tuần được bà Thu bày lên mâm tươm tất với thịt ba chỉ rang cháy cạnh, đậu phụ sốt cà chua, vài khúc cá rán giòn kèm đĩa rau cải luộc và bát cà nhỏ. Ông Hải hứng thú chụp nhanh tấm ảnh mâm cơm khiến bà Thu ngạc nhiên hỏi: “Ông mà cũng chụp ảnh “cúng phây”?” - “Tôi phải gửi cho bạn bè để mọi người yên tâm về Trúc Bạch những ngày cách ly!”, ông Hải cười giải thích.
Nếu theo lệ cũ, sáng thứ hai nào của bà Thu cũng tất bật với việc chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Và sau khi nhận cái “thơm” cùng lời chào tạm biệt ríu rít của cháu nội được bố mẹ đưa tới nhà trẻ, bà Thu vội soạn sửa để cùng ông Hải tới cơ quan, bắt đầu tuần làm việc mới.
Nhưng, sáng thứ hai hôm nay (9-3) không như vậy. Hai đầu đoạn phố dài hơn trăm mét, từ ngã tư Trúc Bạch - Ngũ Xã đến điểm giao với phố Châu Long, tính theo dãy số lẻ là từ số nhà 79 đến 137, có những tấm barie gác chắn cùng các biển báo về khu vực cách ly và chốt kiểm tra dịch bệnh của phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội). 66 hộ dân, 189 người nhân khẩu, trong đó có gia đình bà Thu - ông Hải, nằm trong diện cách ly tập trung kể từ ngày 6-3.
Các hộ gia đình từ số nhà 79 đến 137 phố Trúc Bạch thực hiện cách ly bắt đầu từ ngày 6-3.
Bữa ăn ngày chống dịch luôn tươm tất, lại có phần đầm ấm hơn thường ngày khi mọi thành viên gia đình quây quần đông đủ.
Thay vì vội vã đưa vợ đi làm, ông Hải từ tốn ngồi nhắn tin, trả lời nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm của bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Cũng bởi thấy nhiều người quan tâm, lo lắng cho gia đình mình cũng như các hộ dân trong phố nên ông Hải chụp ảnh và kể về cuộc sống trên phố để mọi người có thể yên tâm về một Trúc Bạch bình yên trong những ngày cách ly.
“Hai lần mỗi ngày, vào lúc 9h và 15h, người dân cả phố sẽ được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe. Thực phẩm thì bà con đã được cấp lần đầu ngay vào chiều thứ bảy, ngày 7-3.
Theo thông báo thì cứ 3 ngày một lần, cán bộ phường sẽ lại phát đến tận nhà đầy đủ nhu yếu phẩm, từ gạo, nước, rau xanh, thịt cá, hoa quả... Ngoài ra, nhà nào cũng cẩn thận nhờ người thân bên ngoài chuyển vào thêm những thực phẩm phù hợp với lối ăn của gia đình nên trưa nay, nhiều chị em có thời gian rảnh còn bày biện nấu bún ngan, phở gà…”, ông Hải kể qua điện thoại.
Hình ảnh bữa cơm trưa đầm ấm trong khu vực cách ly đầu phố Trúc Bạch được ông Hải chụp gửi Báo Hànộimới điện tử.
Hàng xóm nhà ông Hải, anh Nguyễn Tấn Long (ở số nhà 83) đã 3 hôm đóng cửa hàng sửa chữa xe máy. Không phải dọn hàng, anh Long kê chiếc ghế đẩu ra vỉa hè, chiêu ấm chè ngồi đánh cờ cùng những người hàng xóm. Nhà anh Long cả “tứ đại đồng đường” sống trong vài căn hộ nhỏ ngõ 83 vẫn duy trì nếp sinh hoạt bình thường sau những tấm rào chắn. Phố vắng, ông Nguyễn Tấn Ninh, bố anh Long nhẩn nha đi bộ tập thể dục từ đầu đến cuối phố. Mỏi chân, ông dừng nghỉ ở khu vực vườn hoa giữa phố, nơi có sẵn các thiết bị thể dục ngoài trời.
Khu tập thể dục này mấy ngày nay đã trở thành nơi bà con trao đổi thông tin về tình hình khu phố và động viên nhau thực hiện tốt việc cách ly tại chỗ. Ý nghĩa, mục đích của việc cách ly thì cả phố, từ người già đến trẻ nhỏ, gần như ai cũng hiểu đến mức thuộc lòng vì được nghe tuyên truyền liên tục suốt những ngày qua. Chẳng thế mà dù không cần người lớn căn dặn, cậu cháu trai 5 tuổi của ông Hải chỉ đạp xe trong đoạn phố ngắn, không đòi đi chơi xa như mọi khi.
“Từ khi cháu được nghỉ học để phòng, chống dịch đến nay thì đều ngoan ngoãn quanh quẩn trong nhà xem hoạt hình, tô màu, chơi đồ chơi… Nay bố mẹ, ông bà nội đều không đi làm nữa nên cháu lại càng vui hơn vì bình thường nhà rất vắng, cháu lại quấn bà và mẹ”, ông Hải tiếp câu chuyện về gia đình mình.
Những hình ảnh về nhịp sống chậm rãi, bình yên trên phố những ngày đầu cách ly.
Từ trong lòng phố Trúc Bạch, nhiều cư dân mong muốn những hình ảnh "biết nói" lan tỏa đến cộng đồng về một góc phố nhỏ bình yên, nơi gần 200 con người đang bình tĩnh, nghiêm túc tuân thủ cách ly.
Có lẽ, đợt cách ly bắt đầu ngay trước ngày tôn vinh phụ nữ 8-3 là quãng thời gian để những người phụ nữ trong phố được hưởng nhịp sống chậm, thảnh thơi đúng nghĩa. Không mang theo mối lo âu có phần thái quá của nhiều bà nội trợ khi kéo ra chợ hay vào siêu thị mua thực phẩm tích trữ những ngày qua, họ thậm chí cũng không phải tất bật đi chợ vào sáng sớm hoặc cuối chiều tan ca. Ba ngày một lần, họ sẽ được cấp đủ nhu yếu phẩm để lo bữa ăn cho gia đình. Bữa ăn ngày chống dịch vì thế mà vẫn luôn tươm tất, lại có phần đầm ấm hơn thường ngày khi mọi thành viên quây quần đông đủ.
Gia đình ông Thành - bà Lan, nhà số 79 ít khi có những bữa cơm đủ mặt 4 thành viên trong nhà như 3 ngày qua. Trưa ngày đầu tuần, bà Lan chỉ nấu hai món mặn là rau cải xào tỏi và cá kho. Phần thịt lợn sạch được phát bà đã ướp sẵn gia vị đợi bữa chiều rán đổi món. “Rau cải của phường mang đến tươi và ngọt, lại là rau sạch nên cả nhà còn ăn hết trước cá”, bà Lan cười khoe. Ông Thành giữ thói quen ăn xong trước cả nhà rồi nằm xem tivi, chờ điện thoại mấy ông bạn cùng phố gọi ra vườn hoa đánh cờ.
Quá trưa 9-3, bạn cờ của ông Thành, ông Anh (nhà số 85) nhận điện thoại từ em trai báo sẽ mang thêm đồ ăn từ Long Biên sang. Dù ông đã hết lời từ chối vì thực phẩm phường cấp “ăn còn không hết” nhưng người em vẫn nhất mực đòi mang con gà chọi đã làm sẵn cùng đủ gia vị vì biết món anh mình thích nhất là gà xào sả ớt.
Thực phẩm được gửi vào cho các gia đình trong khu cách ly tuân theo đúng quy định để bảo đảm an toàn.
Cảm động khi thấy em trai không ngại nắng mang thực phẩm tới động viên, ông Anh nhường ván cờ cho người khác, quay về cửa nhà ngồi chờ. Cũng như mọi nhà trong phố, việc nhận nhu yếu phẩm của ông tuân theo quy trình được phường hướng dẫn. Các túi đồ được đưa vào khu vực điều hành phòng, chống dịch phía ngoài khu vực cách ly. Cán bộ phường trực đầu phố tiếp nhận, khử khuẩn và đưa vào chiếc bàn lớn đặt giữa phố để người dân ra nhận.
Người em trai nói vọng qua gác barie vào lần tới sẽ mang quả bóng để anh đá cho đỡ buồn. Ông Anh xua tay nói không cần và giục em về kẻo nắng. Xách túi thực phẩm khá nặng vì còn có thêm cả chục củ su hào tươi vừa được chuyển vào, ông bước vội qua phố, tránh nắng trưa gay gắt mà khóe mắt cay cay. Ngoài thực phẩm, tình cảm, sự quan tâm từ những người thân, bà con khối phố và các cán bộ phường luôn đầy ăm ắp những ngày qua.
Bên ngoài khu cách ly, nhịp sống phố Trúc Bạch vẫn diễn ra bình thường.
Quan sát từ bên ngoài khu cách ly cũng dễ cảm nhận, nhịp sống phố Trúc Bạch vẫn diễn ra bình thường. Hàng rào dựng lên ngăn hai đầu phố Châu Long và Ngũ Xã hiểu như ranh giới mềm, không gây chia cách lòng người. Từ hai đầu gác barie, hằng ngày bà con lối phố vẫn đứng từ xa gọi điện thoại vào hỏi thăm và trò chuyện. Họ động viên nhau tạm gác lại những công việc cá nhân, thực hiện tốt cách ly vì chính sức khỏe mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng.
Ông Hải khoe, sớm mai, ông bạn thời “nối khố” bên Châu Long sẽ “ship” sang cốc cà phê đen mua tại quán quen trên phố Nguyễn Hữu Huân thì ông sẽ tiếp tục chụp ảnh đăng lên mạng. Từ trong lòng phố Trúc Bạch, những cư dân như ông Hải mong muốn những hình ảnh "biết nói" lan tỏa đến cộng đồng về một góc phố nhỏ Hà Nội bình yên, nơi gần 200 con người đang bình tĩnh, nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc chống dịch trong sự quan tâm đầy đủ của chính quyền địa phương cũng như tình cảm sẻ chia, nguồn động viên lớn từ khắp nơi hướng về.
Ông Nguyễn Văn Nội (85 tuổi, ở tại 11 Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, ngay sát hàng rào cách ly). Tin tưởng các biện pháp chống dịch của thành phố, ông ở lại nhà, an tâm làm các việc thường ngày.