(HNMO) - Trưa nay (18-9), bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Trước diễn biến trên, sáng 18-9, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tiếp tục họp chỉ đạo ứng phó với bão số 5.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, 8h hôm nay, bão số 5 đã đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng; sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11. Khoảng trưa nay, bão số 5 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế, với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19h ngày 18-9, áp thấp nhiệt đới di chuyển sang khu vực Trung Lào, sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8…
Do ảnh hưởng của bão số 5 nên ngày và đêm nay, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xảy ra mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi cao hơn 250mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm. Từ ngày 18 đến 20-9, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An xảy ra mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt…
Ứng phó với bão số 5, Bộ đội Biên phòng tiếp tục điều động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn… Trên vùng biển ảnh hưởng của bão không còn tàu thuyền hoạt động. Các nhà mạng nhắn tin cảnh báo mưa bão cho 7,75 triệu thuê bao thuộc khu vực ảnh hưởng của bão. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã ra lệnh cấm biển. Sáu tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã xây dựng kế hoạch và sẵn sàng triển khai phương án sơ tán 158.142 hộ dân, với 642.359 người; trong đó, 4 tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã sơ tán 11.457 hộ dân với 34.811 người tại 16 huyện, thị xã, thành phố ven biển đến nơi an toàn, quyết định cho học sinh nghỉ học để tránh bão…
Kết luận cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ; trong đó tập trung triển khai phương án bảo đảm an toàn tàu thuyền nơi trú tránh; sơ tán người dân trên các chòi canh ngoài biển, khu vực có nguy cơ xảy ra úng ngập, lũ quét, sạt lở đất… Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục kiểm tra và chủ động triển khai phương án bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, đặc biệt là những vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu; hồ, đập đang thi công…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.