Sau khi nâng cấp iOS 9.1, nhiều người dùng nhắn tin
Bộ biểu tượng cảm xúc emojis được Apple bổ sung trong iOS 9.1 - Ảnh: redmondpie |
"Máy iPhone 6 của tôi vừa nâng cấp iOS 9.1, khi nhắn tin SMS bị nhảy số ký tự, nội dung tin nhắn gửi đi cũng ngắn thôi nhưng lại bị chia làm 2-3 tin, bị trừ tiền nhiều hơn mà không biết lý do gì".
Đây là một trong nhiều trường hợp nếu nhắn tin SMS thường xuyên trên iPhone cài iOS 9.1 (iPhone 6S/6S Plus, iPhone 4S, iPhone 5/5S, iPhone 6/6 Plus) dùng tới các hình ảnh bày tỏ cảm xúc emojis khi gửi sẽ nhận thấy tiền trong tài khoản bị trừ nhiều hơn so với trước kia. Và lý do đến từ bộ biểu tượng cảm xúc emojis này.
"Thủ phạm" Emojis
Vừa qua, Apple phát hành bản cập nhật iOS 9.1 sửa một số lỗi và bổ sung bộ biểu tượng cảm xúc (emojis) vào bộ gõ (bàn phím ảo), cho phép người dùng gửi nội dung tin nhắn là những khuôn mặt biểu cảm hay thể hiện những hình ảnh vui nhộn... Trong bộ Emojis trong iOS 9.1 được Apple phát hành hỗ trợ 184 biểu tượng cảm xúc, bao gồm Emojis Unicode 7 và 8.0.
Emojis không mới, xu hướng sử dụng emojis đã phổ biến ở khắp nơi từ mạng xã hội Facebook đến thiết bị di động, được người dùng đặc biệt là giới trẻ yêu thích dùng hình ảnh bày tỏ cảm xúc thay cho từ ngữ.
Vậy vì sao Emojis có thể làm tăng tiền phí nhắn tin SMS? Câu trả lời là dùng các ảnh biểu thị cảm xúc Emojis có thể làm nội dung vượt quá chiều dài giới hạn cho phép của một tin nhắn SMS. Thông thường nội dung tin nhắn gói gọn trong một tin SMS (160 ký tự), khi chèn một hay nhiều biểu tượng emojis vào, số tin nhắn cho một nội dung có thể bị đẩy lên 2 đến 3 tin. Số tiền theo số tin nhắn đó tăng lên.
Nhắn tin không dấu tiếng Việt trên iPhone 6S (iOS 9.1) - Ảnh: Nguyễn Hồng Phúc |
Nhắn tin chèn biểu tượng cảm xúc emojis trên iPhone 6S (iOS 9.1) - Ảnh: Nguyễn Hồng Phúc |
Nhắn tin có dấu tiếng Việt trên iPhone 6S (iOS 9.1) - Ảnh: Nguyễn Hồng Phúc |
Theo các tiêu chuẩn từ GSM (Hệ thống thông tin di động toàn cầu), một tin nhắn ngắn SMS có giới hạn tối đa 160 ký tự (7-bit/ký tự, bảng mã chuẩn ASCII gồm các ký tự Latin-alphabe a-z A-Z và 0-9). Khi dùng các ký tự không thuộc bảng mã ASCII vào tin nhắn (thường là các ký tự ngôn ngữ như "tiếng Việt có dấu" thay vì "tieng Viet co dau", các ký tự tiếng Nhật, Trung, Á Rập...), giới hạn tối đa giảm còn 70 ký tự (16-bit/ký tự). Khi đó, tin nhắn đã chuyển sang dạng mã hóa UCS-2, hiểu đơn giản là tin nhắn Unicode.
Mỗi ảnh (ký tự) emojis tương đương một ký tự Unicode. Chuẩn mã hóa Unicode yêu cầu gấp đôi "khoảng trống" (2-byte) so với 1-byte của chuẩn GSM.
* Bạn đọc có thể tính được số lượng tin nhắn SMS đối với một đoạn nội dung qua công cụ trực tuyến SMS Split.
Chèn biểu tượng emojis trong tin nhắn SMS cũng tương tự gõ tiếng Việt có dấu bằng các bộ gõ cho điện thoại như Laban Key. Ảnh soạn nội dung tiếng Việt có gõ dấu so với gõ không dấu trên điện thoại Android bên dưới cho thấy rõ sự thay đổi giữa chuẩn GSM và Unicode (UCS-2) khi soạn tin nhắn văn bản SMS.
Áp dụng cho cả ứng dụng nhắn tin di động
Tuy các ứng dụng nhắn tin di động (tán gẫu) qua kết nối Internet dạng OTT như Viber, Zalo, Skype hay Line cho phép gửi/nhận miễn phí giữa các tài khoản với nội dung rất dài, nhưng khi dùng một số ứng dụng này hỗ trợ nhắn tin SMS thì giới hạn chiều dài theo chuẩn Unicode vẫn được áp dụng, nên bạn đọc cần lưu ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.