Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trụ sở “tỷ đô” của NATO

Quỳnh Chi| 14/03/2011 06:48

(HNM) - Hơn 60 năm tồn tại, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa từng có một trụ sở chuyên dụng riêng cho các đại diện quân sự thường trực cao cấp, dù số nước thành viên của khối quân sự này đã được mở rộng từ 15 lên 28.

Mô hình trụ sở mới của NATO.


Trụ sở làm việc hiện nay của NATO là quần thể một số tòa nhà cũ, thấp tầng được xây dựng vội vàng tại Brussels vào năm 1967, sau khi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle quyết định rút khỏi cơ cấu chỉ huy của NATO và buộc liên minh này rời khỏi trụ sở ban đầu ở gần Paris. Gần 4 thập kỷ trôi qua, các khu vực chức năng của tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, rất khó bảo trì. Thậm chí một số phần không thể sửa chữa được, do đó không thể đáp ứng được các điều kiện cần thiết của NATO.

Dự án xây dựng trụ sở mới gồm quần thể 4 tòa nhà 6 tầng có hình lượn sóng, nằm đối diện với trụ sở hiện tại đã được khởi công từ giữa tháng 12 năm ngoái. Dự kiến, đây sẽ là nơi làm việc cho khoảng 4.500 nhân viên của liên minh quân sự này sau khi hoàn thành vào năm 2015. Thế nhưng, chưa đầy 6 tháng, tranh cãi đã nổ ra khi dự chi đổ vào "ngôi nhà" mới đã tăng lên gấp đôi so với tính toán ban đầu. Theo hợp đồng được Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Pieter De Crem và đại diện Tập đoàn BAM Alliance (một liên doanh giữa Bỉ - Hà Lan) ký kết vào tháng 6 năm ngoái, chi phí xây dựng chỉ vào khoảng 700 triệu USD. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một công trình quá tốn kém và chưa đúng lúc bởi thời điểm này hầu hết các quốc gia thành viên chủ chốt của NATO đều "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách. Theo số liệu mới nhất, trong hơn hai năm qua, các thành viên NATO ở châu Âu đã phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng 45 tỷ USD. Một số ý kiến khác lại khẳng định dự án này chưa cần thiết trong bối cảnh số tiền bỏ ra để duy trì sứ mạng quá tham vọng ở chiến trường Afghanistan cũng đang khiến nhiều quốc gia lao đao trước mũi dùi dư luận.

Về khoản tài chính phát sinh, Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu nói rằng, dự án trên đã được thông qua cách đây nhiều năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và rằng chi phí xây dựng vẫn không thay đổi. Phần chi phí tăng thêm là để phục vụ cho việc san bằng trụ sở cũ - vốn tọa lạc trên một căn cứ không quân từ thời Chiến tranh thế giới lần thứ II, dọn sạch bom mìn, cũng như để chi trả các trang thiết bị an ninh, đồ nội thất…

Nhưng dù bà  Lungescu hay Tổng Thư ký Anders Rasmussen biện luận giỏi đến đâu cũng khó mà thuyết phục được những người phản đối. Hạ nghị sĩ John Glen, thành viên Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Anh, nói rằng ông cảm thấy "thất vọng" khi Luân Đôn đóng góp tới 12,5% kinh phí xây dựng trụ sở mới của NATO. Ngoài ra, dư luận châu Âu đặt lại câu hỏi về mục tiêu tồn tại của NATO - một liên minh có từ thời Chiến tranh Lạnh, khi mối quan hệ của NATO với Nga đang ngày càng gần gũi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trụ sở “tỷ đô” của NATO

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.