Huyện vùng cao Nam Giang (Quảng Nam), đang chuẩn bị dời trung tâm hành chính từ Bến Giằng về lại thị trấn Thạnh Mỹ, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng.
Những ngày này, huyện Nam Giang (Quảng Nam), đang rốt ráo giải phóng mặt bằng để chuẩn bị dời trung tâm hành chính từ Bến Giằng (xã Cà Dy), về lại thị trấn Thạnh Mỹ. Đây là lần thứ 3 trong vòng 30 năm, huyện này chuyển trụ sở.
Nhiều tòa nhà ở Bến Giằng được sử dụng chưa đến 10 năm. Ảnh. Tiến Hùng. |
Theo ông Zơ Râm Pháo, nguyên Phó chủ tịch huyện Nam Giang, trung tâm hành chính của huyện này trước đây có trụ sở ở Bến Giằng. Kết thúc chiến tranh, cho rằng vị trí này không thích hợp, vận chuyển nhu, yếu phẩm… từ đồng bằng lên vất vả nên tỉnh và huyện đồng thuận di dời. “Năm 1984, các trụ sở được xây xong, trung tâm hành chính huyện hoàn tất việc chuyển xuống thị trấn Thạnh Mỹ. Vị trí mới cách Bến Giằng khoảng 10km”, ông Pháo nhớ lại.
Tuy nhiên, hơn 10 năm sau huyện này lại tiếp tục phải chuyển trụ sở. “Lần này với lý do nhà máy xi măng sắp xây dựng ở thị trấn Thạnh Mỹ nên sợ bị ô nhiễm”, vị cán bộ hơn 30 năm đảm nhiệm nhiều chức vụ chủ chốt của huyện Nam Giang kể. Lúc này, huyện bỏ phiếu lấy ý kiến cán bộ và thống nhất sẽ chuyển lên vị trí cũ là Bến Giằng. “Khoảng năm 2000, trung tâm hành chính bắt đầu được xây dựng ở Bến Giằng, do nằm ở ngã ba sông nên chỉ tính kinh phí làm bờ kè đã tốn cả trăm tỷ đồng. Hàng loạt trụ sở lần lượt được xây mới kiên cố, đường, cầu... được đầu tư chỉn chu”, ông Pháo nói và cho hay có những tòa nhà như Kho bạc Nhà nước huyện chỉ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng vài năm nay. Năm 2003, trụ sở UBND hoàn thành, còn tòa nhà huyện ủy mới khánh thành chưa đến 10 năm.
Huyện Nam Giang có 12 xã, thị trấn với gần 25.000 dân, trong đó 80% là người dân tộc. Tổng thu ngân sách 5 năm qua của huyện đạt 1.861 tỷ đồng, trong đó 9 tháng đầu năm nay đạt 284 tỷ. Có 70 km đường biên giới với nước bạn Lào, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. |
Khi việc tái định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Bến Giằng vừa ổn định thì năm 2013, huyện này lại xin phép chuyển trụ sở thêm một lần nữa. “Những cán bộ về hưu nghe tin ai cũng sốc, một sự lãng phí ghê gớm. Nhìn những tòa nhà, cơ sở vật chất mà mình vừa đầu tư hàng tỷ đồng xong giờ lại phải bỏ mà thấy tiếc”, ông Pháo thở dài. Vị nguyên Phó chủ tịch huyện cũng nhiều cán bộ về hưu khác quyết liệt phản đối nhưng vẫn không thay đổi được “nguyện vọng của cán bộ và lãnh đạo huyện”.
Lý giải về lần chuyển trụ sở này, lãnh đạo huyện Nam Giang cho rằng, ở Bến Giằng không có dân cư sinh sống nên rất bất tiện, diện tích cũng khá hạn hẹp nên khó phát triển hạ tầng. Các cán bộ, công chức của huyện đều có nhà ở thị trấn Thạnh Mỹ nên mỗi lần đi làm phải vượt 10 km, vất vả. Ngoài ra còn một số nguyên nhân như lo ngại sạt lở, thúc đẩy kinh tế phát triển…
Thừa nhận việc chuyển trụ sở lên Bến Giằng trước đây là sai lầm khiến giờ phải di dời về lại là lãng phí song giới chức huyện này cho hay, đã lấy ý kiến các cán bộ và công chức, phần lớn ai cũng đồng thuận chuyển các trụ sở về thị trấn Thạnh Mỹ.
Khu trụ sở huyện Nam Giang tại Bến Giằng, ngã ba sông Bung và sông Thanh. Ảnh. Tiến Hùng. |
“Liên tiếp chuyển trụ sở như vậy là bất thường, các cán bộ đương nhiên họ đồng thuận bởi hầu hết họ đều có nhà ở Thạnh Mỹ. Ai chẳng muốn được đi làm gần nhà”, ông Pháo bức xúc.
Phần lớn các trụ sở cũ ở thị trấn Thạnh Mỹ đã được nhượng lại cho các cơ quan, đơn vị khác sau một thời gian bỏ hoang. Một số bị phá bỏ như tòa nhà của Huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc, còn trụ sở của Ban chỉ huy quân sự vẫn bỏ hoang từ nhiều năm nay. Chính vì vậy, khi được tỉnh Quảng Nam phê duyệt, trung tâm hành chính mới của Nam Giang sẽ xây mới toàn bộ trên diện tích gần 100 ha. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, chỉ tính riêng trụ sở của ủy ban huyện được thẩm định hơn 30 tỷ đồng. Ngoài ra còn có hàng loạt trụ sở như Huyện ủy, Tòa án, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Chi cục thi hành án, Viện kiểm sát, Công an….
Ngoài số tiền xây dựng còn phải bỏ kinh phí để tái định cư, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, giao thông…. Dự kiến sau khi giải tỏa xong, năm 2016 dự án này sẽ được khởi công và hoàn tất việc di dời vào năm 2020.
Trong khi đó, trung tâm hành chính cũ sẽ được bàn giao cho xã Cà Dy làm trụ sở. Tuy nhiên, với quy mô của một xã với dân số hơn 3.000 người chắc chắn sẽ không sử dụng hết hơn 10 tòa nhà đồ sộ này.
Thị trấn Thạnh Mỹ nằm ở vị trí cực nam của huyện Nam Giang, cách địa phận huyện Đại Lộc chưa đầy 5 km. Một số cán bộ cho rằng chuyển trung tâm hành chính về đây vẫn chưa hợp lý. Có 8 xã vùng cao của huyện muốn xuống Thạnh Mỹ ít nhất cũng phải đi mất 60 km. “Lúc lấy ý kiến để chuyển trụ sở, nhiều cán bộ cũng muốn đặt ở xã Tà Pơơ vì ở đó mới là vị trí trung tâm của huyện. Bây giờ chuyển xuống Thạnh Mỹ, rồi 10 năm sau một lãnh đạo khác lên lại đòi chuyển lên Tà Pơơ với lý do cán bộ đi công tác địa bàn gần hơn liệu có đồng ý không?”, ông Zơ Râm Pháo nói.
Tỉnh Quảng Nam cũng đang giải phóng mặt bằng để xây mới trụ sở UBND huyện Bắc Trà My với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Trụ sở cũ được cho là đã quá cũ kỹ khi xây dựng cách đây hơn 20 năm. Ngoài ra, trụ sở Huyện ủy Đông Giang cũng vừa được đưa vào sử dụng với kinh phí xây dựng gần 23 tỷ đồng. Trụ sở cũ của cơ quan này được xây dựng cùng thời điểm với tòa nhà của ủy ban huyện Đông Giang, trong khi ủy ban sửa chữa để sử dụng tiếp thì huyện ủy lại đầu tư làm mới. Tòa nhà huyện ủy cũ vẫn còn rất kiên cố này dự kiến được quy hoạch trong khuôn viên làng nghề truyền thống. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.