Xưa và nay

Trong xanh những mảnh "gương làng"

Dã Liên 24/02/2024 - 06:45

Bước ra ngoại thành, nơi những vùng quê yên ả, ao hồ luôn được ví như những mảnh “gương làng”. Gương phản chiếu cuộc sống của cộng đồng. Là nơi xưa kia các mẹ các chị lấy nước. Là nơi lấp lánh ánh vàng, ánh bạc những đêm trăng...

Khác với một thời hối hả dựng xây trên đất ao hồ, giờ đây, vùng ven đô đã kịp chung tay giữ lại "gương làng", nối mạch cảnh quan đô thị Hà Nội, góp phần bảo tồn không gian đặc sắc của “Thành phố sông hồ”.

ao-lang.jpg
Ao thôn Hội Phụ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) được kè khang trang, sạch sẽ.

Thế rồi cái ao Ngõ Cả đầu làng Hội Phụ (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng đã cải tạo xong. Nhiều cụ ông, cụ bà đã yếu, lâu nay không mấy khi ngó được chuyện xóm làng, hôm ấy cũng chống gậy ra xem. Làng Hội Phụ có mấy cái ao to. Lớn nhất là ao Ngõ Cả, đầu làng, và cũng ngay gần đình làng, nơi thờ Thành hoàng làng Triệu Việt Vương. Thấy các nơi “đô thị hóa”, ao làng cứ bị lấn chiếm rồi lấp đi, nhà cửa mọc lên như nấm, dân làng ai cũng lo làng mình rồi sẽ mất ao.

Thế rồi dự án “về làng”, mọi người lại thấp thỏm không biết nay mai rồi sẽ ra sao. Kết quả ai cũng bất ngờ. Ao được kè lại sạch sẽ tinh tươm. Quanh ao có vỉa hè đi dạo. Cây cối trồng ngay ngắn, thẳng tắp. Những con đường quanh đó được rải nhựa phẳng phiu. Cách ao Ngõ Cả một quãng là ao Chùa, vốn nằm lọt thỏm trong làng cũng được cải tạo khang trang. Bờ kè có lan can đã đành, lại còn có cả ghế đá để người dân ngồi nghỉ ngơi, thư giãn.

Nhịp sống quanh chiếc ao làng giờ cũng thay đổi hẳn. Ở Hội Phụ, trước đây quanh ao cây cối mọc um tùm là ổ “nuôi” muỗi, rồi thi thoảng có người kém ý thức đổ rác ra ao, nhưng giờ ngày ba buổi, nhiều người đi dạo, tập thể dục quanh ao. Tối đến, đèn điện quanh ao thắp sáng trưng. Làng xưa giờ như phố. Bà Đặng Thị Tân, người dân làng Hội Phụ chia sẻ: “Nghe nhiều nơi ao làng bị lấn chiếm, rồi ô nhiễm, chúng tôi cứ lo ao làng mình rồi cũng thế. Nhưng giờ thì khang trang, sạch sẽ lắm. Giờ ao làng do Cựu Chiến binh phụ trách trông nom, chăm sóc. Làng Lại Đà bên cạnh cũng đã cải tạo liền một lúc hai cái hồ to. Ai cũng phấn khởi”.

Những chiếc ao làng “thay áo mới” không phải chỉ là chuyện ở Đông Hội, mà còn là chuyển động thấy rõ ở nhiều huyện ven đô của Hà Nội, nhất là địa bàn Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thường Tín... Nếu Đông Anh đang triển khai chăm chút không gian ao làng ở tất cả các làng quê thì tại Đan Phượng, chuyện biến ao làng thành “ao sinh thái” đã diễn ra hơn chục năm nay. Trước năm 2009, nhiều ao hồ trên địa bàn Đan Phượng trong tình trạng ao tù, ô nhiễm. Huyện đã thực hiện chủ trương “cứu” ao làng bằng việc cải tạo đồng loạt ao. Chủ trương hợp lòng dân nên nhiều nơi, người dân hăng hái đóng góp tiền của, công sức để cải tạo ao làng. Điển hình trong đó phải kể đến xã Song Phượng. Bốn thôn Tháp Thượng, Thống Nhất, Thu Quế và Thuận Thượng mỗi thôn đều có ít nhất một ao làng. Các ao được kè, xây lan can, thả cây thủy sinh... Riêng ao thôn Thống Nhất còn được cải tạo để trẻ em có thể tập bơi. Người dân tự hào gọi đó là những “ao sinh thái”. Điều đáng nói, cùng với cải tạo ao làng thì Đan Phượng cũng cải tạo hệ thống thoát nước.

Đường thoát nước được thiết kế riêng, nước thải không đổ vào "ao sinh thái" nữa. Việc bảo vệ môi trường ao làng được giao cho các đoàn thể địa phương. Cứ thế, ao làng mỗi ngày một sạch hơn, đẹp hơn khi được trang trí cây, hoa và dụng cụ luyện tập thể dục, thể thao. Huyện Gia Lâm cũng đẩy mạnh triển khai cải tạo ao làng từ năm 2016, đặc biệt trong mấy năm gần đây, khi xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới phát triển thành quận...

Như người xưa ví von chiếc ao như mảnh "gương làng". Cuộc sống người dân thôn quê cũng thường diễn ra quanh chiếc ao. Một chiếc cầu ao được bắc ra, hay cẩn thận hơn là những bờ kè gạch - nơi ấy còn là một thế giới với con trẻ... Có đứa nhóc nào ở làng xưa kia mà không có những chiếc cần câu con con để câu cá rô, cá cờ... Ao làng phản chiếu những nếp sinh hoạt ấy gắn liền với không gian văn hóa làng xã.

Thời điểm chuyển động của đô thị hóa, không gian mặt nước ao làng chịu sự lấn chiếm, va đập dữ dội và đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn... Chuyện ao làng bị lấp, bị ô nhiễm đã từng xảy ra ở nhiều địa phương. Có những nơi ao hồ bị biến dạng đến mức gần như không cứu được, nhất là tại một số quận. Dẫu rằng không còn ai muốn quay lại cái thời rửa bát, giặt giũ bên ao làng nữa, nhưng giá trị ao làng là không thể phủ nhận, cả về giá trị văn hóa cảnh quan lẫn môi trường sống.

Và với một cách tiếp cận mới, một tầm nhìn mới, ao làng đang "trở lại" góp phần tạo nên sự hài hòa với không gian đô thị hiện đại. Giờ đây những Gia Lâm, Đông Anh chỉ còn đợi ngày, đợi tháng để thành phố, thành phường. Rồi mai này nữa là những Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng. Đô thị hóa là cái đích hướng đến, không chỉ bởi “danh hiệu”, mà để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Rất may, nhiều làng quê dù ngày một phát triển nhưng đã kịp nhận ra và kịp gìn giữ những mảnh "gương làng" cho con cháu mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong xanh những mảnh "gương làng"