Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong vòng xoáy “áp thấp”

Vân Khanh| 14/10/2012 08:29

(HNM) - Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) vừa khai mạc cuối tuần này đã mở đầu bằng báo cáo


Khoảng tối tưởng như đã được thu hẹp bằng những nỗ lực hồi phục thời hậu khủng hoảng đang có chiều hướng mở rộng khi hai định chế tài chính hàng đầu thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,3% trong năm 2012 và từ 3,9% xuống 3,6% năm 2013.


Hội nghị IMF và WB đang diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) được kỳ vọng sẽ tìm ra các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế thế giới.

Sự tiên liệu về bước lùi của nền kinh tế thế giới đã phát đi thông điệp khẩn cấp cho khoảng 20.000 quan chức chính phủ, ngân hàng trung ương và khu vực tư nhân tham gia hội nghị kéo dài một tuần này về những thử thách ngặt nghèo ở phía trước. Cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu đang diễn biến quá phức tạp, một đòn bẩy của kinh tế toàn cầu - các nền kinh tế mới nổi - đã không giữ được phong độ, sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản… thêm một lần xuất hiện như những chủ đề quan trọng nhất của lần nhóm họp ở xứ Hoa anh đào. Không mới nhưng vẫn chưa hết thời sự, những vấn đề đang đặt ra từ các cột trụ kinh tế thế giới đã rung hồi chuông về sự khẩn thiết phải tìm ra hướng đi nhằm thoát khỏi mê cung khủng hoảng hiện nay.

1/4 dân số Hy Lạp đã bị mất việc làm do một nền kinh tế kiệt quệ vì nợ nần, Fitch lại bóng gió sẽ hạ bậc tín nhiệm toàn Châu Âu… là những hung tin báo hiệu những ngày nhọc nhằn mới của Lục địa già. Vì thế, cuộc đối phó với cơn bão nợ công của Châu Âu được trông đợi rất nhiều tại Tokyo. Là một liên minh chính trị và tiền tệ rộng lớn nhất thế giới, nên sẽ là viễn tưởng nếu cho rằng kinh tế toàn cầu có thể khởi sắc mà thiếu vắng những tín hiệu vui từ Cựu lục địa. Làm thế nào để Châu Âu thoát khỏi vỡ nợ không còn là nhiệm vụ của riêng châu lục này mà đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cuộc gặp Tokyo.

Trách nhiệm càng trở nên nặng nề khi thực tế cho thấy cơn khủng hoảng tài chính Châu Âu đã phát tán ra bên ngoài qua các kênh thương mại, tài chính để trở thành nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi. Quy luật phụ thuộc tất yếu giữa các thành phần cấu thành của một nền kinh tế toàn cầu hóa đòi hỏi những đại diện đang tề tựu tại đất nước Mặt trời mọc một sự quyết tâm và đồng thuận về chính sách nhằm tháo dần những nút thắt khó khăn.

Thế nhưng, khi cả thế giới vẫn loay hoay trong vòng xoáy nợ Châu Âu thì tại Đông Bắc Á, "cơn áp thấp" quan hệ song phương và đa phương liên quan đến tranh chấp biển đảo đã tạo ra một vùng trũng mới không kém phần hiểm nguy cho nền kinh tế toàn cầu. Việc Trung Quốc không cử những quan chức cấp cao là Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương tới tham dự sự kiện Tokyo với đại diện của 180 quốc gia mà thay bằng một đoàn cấp thấp hơn khẳng định cuộc tranh chấp biển đảo đang tác động đến toàn cục. Điều này dự báo một giai đoạn không bằng phẳng trong quan hệ chính trị đã phác lên một quỹ đạo kinh tế không rõ ràng giữa hai cường quốc kinh tế Châu Á. Sự "tụt dốc" quan hệ Trung - Nhật có thể gây thương tổn cho quá trình phục hồi mờ nhạt của kinh tế thế giới. Và, lời kêu gọi hai bên cùng kiềm chế vì lợi ích chung khi tăng trưởng toàn cầu cần sự hợp tác của cả hai nước từ Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tại Tokyo chưa nhận được hồi đáp như mong đợi.
Từ thực trạng của kinh tế thế giới, từ những thử thách truyền thống và phi truyền thống đang phải đối diện, dư luận đặt nhiều hy vọng vào cuộc gặp của IMF và WB 2012. Không chỉ vì quy mô rộng lớn của sự kiện mà quan trọng hơn, trong cơn biến cố vừa qua, hai định chế tài chính bậc nhất thế giới đã thể hiện được vai trò chèo lái trong bối cảnh quá nhiều việc phải điều phối và rất nhiều khó khăn phải giải quyết giữa các thành viên. Cùng một loạt những hội thảo, đối thoại liên quan, có lý do để hy vọng cuộc gặp tại Tokyo kết thúc vào tuần tới sẽ đưa ra được chính sách hoàn thiện hơn để con tàu kinh tế thế giới có thể cập bến bình yên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trong vòng xoáy “áp thấp”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.