Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trông vào cử tạ

Minh Quang| 15/08/2010 07:08

(HNM) - 1. Trong 2 lần đoạt huy chương Olympic của thể thao Việt Nam, các VĐV cử tạ và taekwondo đã ghi danh. Những Trần Hiếu Ngân (taekwondo, năm 2000) và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ, năm 2008) thực sự đã làm thể thao Việt Nam mở mày mở mặt sau một thời gian dài chìm lắng.

Cũng từ đó, taekwondo và cử tạ được coi như những môn mũi nhọn để thể thao Việt Nam khẳng định mình tại đấu trường Olympic. Lần này, khi Olympic trẻ lần thứ nhất được tổ chức tại Singapore, những hy vọng đoạt huy chương của thể thao Việt Nam lại một lần nữa đặt vào taekwondo và cử tạ. Nếu các cuộc đấu taekwondo luôn đem đến những bất ngờ thì các cuộc đấu trên sàn thi đấu cử tạ lại thường sát thực tế hơn, ít nhất ở khía cạnh đây là môn đấu cân đong đo đếm được.

2. Với cử tạ Việt Nam, Olympic trẻ cũng là nơi để các nhà quản lý hy vọng tìm được hoặc khẳng định sự lựa chọn của mình trong việc tìm ra người thay thế Hoàng Anh Tuấn trong những kỳ Olympic tương lai. Hoàng Anh Tuấn dù phong độ phập phù trong suốt sự nghiệp thi đấu (nhất là ở các kỳ SEA Games) nhưng dù sao cũng để lại dấu ấn nhất định trong làng cử tạ cũng như thể thao Việt Nam. Không có Tuấn, bộ môn cử tạ sẽ không được nhắc đến nhiều như vậy trong suốt 5 năm qua. Và đương nhiên, bộ môn này sẽ không được kỳ vọng cũng như nhận được sự đầu tư lớn như hiện nay.

Thực tế, trong khi những môn cơ bản nhất của Olympic như điền kinh, bơi lội của Việt Nam chưa tạo dấu ấn nào tại Olympic - đấu trường quan trọng nhất của các nền thể thao thì cử tạ Việt Nam (cũng là một môn cơ bản khác, được liệt vào nhóm 1 của Olympic) đã kịp khẳng định mình sau hơn một chục năm phát triển bằng chiếc HCB Olympic 208 của Hoàng Anh Tuấn. Sau Hoàng Anh Tuấn, giờ cử tạ Việt Nam đã xuất hiện những niềm hy vọng mới có tố chất chẳng kém đàn anh như Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thị Hồng. Tất cả đều còn trẻ, dưới 17 tuổi nhưng đã lộ rõ tài năng. Vấn đề chỉ là sự đầu tư cho họ thế nào.

3. Trong suốt thời gian chuẩn bị Olympic trẻ lần thứ nhất, cái tên Thạch Kim Tuấn đã được nhắc đến nhiều lần, nhất là sau khi vừa đoạt HCB giải vô địch trẻ thế giới. Lẽ ra cùng với Thạch Kim Tuấn, Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) sẽ được đưa vào diện có thể đoạt huy chương. Tuy vậy, cách sử dụng VĐV trẻ mới tập tạ được 3 năm (tích lũy thể lực chưa nhiều) này thời gian qua chưa hợp lý nên khả năng đoạt huy chương của Nguyễn Thị Hồng giảm hẳn. Chỉ trong tháng 5 và 6, Hồng đã dự 2 giải (trẻ toàn quốc và trẻ thế giới) nên đến ngày dự Olympic vẫn chưa thể hồi phục 100% thể lực do tích lũy chưa được nhiều như Thạch Kim Tuấn (đã tập tự được hơn 5 năm). Các chuyên gia Trung Quốc tại đội Hà Nội đã từng lên kế hoạch cho Hồng đạt thành tích 77kg (cử giật) và 88kg (cử đẩy) tại Olympic trẻ tới nhưng việc phải liên tục thi đấu đã khiến dự tính này phá sản. HLV của Hồng tại đội Hà Nội trong đợt này cũng sang Singapore nhưng với việc không danh chính ngôn thuận cũng không hy vọng giúp học trò có đột phá về thành tích. Không kể vai trò HLV của đội cử tạ vẫn gây nhiều tranh cãi khi người được chọn (BTC Olympic trẻ chỉ cho thể thao Việt Nam được đăng ký 1 HLV cử tạ) không trội hơn nhiều HLV khác về chuyên môn, nhất là kinh nghiệm chỉ đạo thi đấu.

Những điều ấy đang khiến kỳ vọng huy chương của cử tạ Việt Nam tại Olympic trẻ lần thứ nhất giảm bớt. Dù vậy kỳ vọng đoạt huy chương Olympic trẻ lần này của thể thao Việt Nam vẫn đặt vào cử tạ. Và tất nhiên đi cùng với sự kỳ vọng ấy cũng là hy vọng vào sự may mắn song hành với các lực sĩ Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trông vào cử tạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.