Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trong trái tim Hà Nội luôn có một Trường Sa

Lê Hương| 28/05/2012 06:33

(HNM) - Vượt qua hơn 1.000 hải lý, đến thăm 10 điểm đảo và một nhà giàn DK1, Đoàn công tác số 13 do Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến làm Trưởng đoàn cùng hơn 190 thành viên đến từ Thủ đô và 5 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đắc Lắc, Lâm Đồng, TP Hải Phòng đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, nhân dân quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa).


Một chuyến đi để lại nhiều dấu ấn đẹp, nhưng hơn cả là tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, quân, dân Thủ đô hướng về những chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió bất chấp hiểm nguy, hy sinh quyền lợi cá nhân đang chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn biển đảo Tổ quốc.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến tặng quà cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại quần đảo Trường Sa.Ảnh: Lê Hoàn


Vì Trường Sa thân yêu

Với tấm lòng "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước", từ nhiều năm nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô luôn hướng về Trường Sa với một tình cảm liêng thiêng cùng những việc làm thiết thực chăm lo đời sống của quân, dân trên các đảo. Chuyến thăm lần này, ngoài mục đích gắn kết hơn nữa tình cảm của Đảng bộ, chính quyền, quân, dân Hà Nội

để Thủ đô gần hơn với Trường Sa, Trường Sa gần hơn với đất liền, đoàn còn cùng với địa phương, đơn vị tổ chức lễ cắt băng khánh thành Nhà văn hóa - công trình ý nghĩa Hà Nội dành tặng cho quân, dân xã đảo Song Tử Tây, một trong ba đảo cấp một của quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 0,13km2. Sự hiện diện của công trình Nhà văn hóa khang trang với đủ trang thiết bị, tủ sách làm cho không gian của điểm đảo này trở nên đẹp hơn. Trung tá Đỗ Việt Hoa, Chính trị viên xã đảo Song Tử Tây chia sẻ, quân và dân trên đảo vui lắm, vì công trình đã tạo thuận lợi cho địa phương, chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.

Trong chuyến thăm lần này, đoàn Hà Nội đã tổ chức lễ thả hoa tưởng niệm những cán bộ, chiến sỹ hải quân đã anh dũng hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 tại quần đảo Trường Sa và các chiến sỹ hy sinh trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Đoàn còn mang tặng các đảo rất nhiều hạt rau giống, các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, đồ dùng học tập, sách vở cho các cháu học sinh; thăm và tặng quà các gia đình trên đảo và cán bộ, chiến sỹ là con em Thủ đô Hà Nội đang công tác tại Trường Sa. Các cán bộ, kỹ sư ngành nông nghiệp Thủ đô cũng đã đi thăm và hướng dẫn quân, dân trên đảo kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi gia súc. Các nghệ sỹ, diễn viên Thủ đô mang lời ca, tiếng hát, biểu diễn nghệ thuật ra đảo với mong muốn mang hơi ấm của đất liền đến với biển đảo. Đặc biệt, lá thư của các thủ khoa Hà Nội gửi tới cán bộ, chiến sỹ đã được đặt trang trọng tại Nhà văn hóa Song Tử Tây như một biểu tượng về sự cảm phục, lòng biết ơn sâu sắc của tuổi trẻ Thủ đô đối với cán bộ, chiến sỹ Trường Sa.

Hiên ngang nơi ngọn gió


Mười điểm đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Đá Thị, Sinh Tồn, Côlin, Trường Sa Đông, Đá Tây (điểm A, C), Đá Lát, Trường Sa Lớn và Nhà giàn (DK1/14) mỗi nơi để lại một cảm xúc thiêng liêng đối với các thành viên trong đoàn công tác. Nếu Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Trường Sa Lớn được bao quanh bởi những cây bàng vuông, phong ba và những cây phi lao phủ màu xanh thắm như khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương thì các đảo chìm Đá Tây, Đá Lát, Đá Thị… lại trơ trụi bởi phải hứng chịu quá nhiều sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Nhưng những nơi đây đều có điểm chung, dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến bao nhiêu, dù hiểm nguy có rình rập thế nào thì vẫn không làm nhụt ý chí sắt đá, lòng gan dạ của quân và dân Trường Sa. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tỉnh, TP, trong đó có Thủ đô Hà Nội, quần đảo Trường Sa đang biến chuyển từng ngày, cây cối sinh sôi nảy nở, trẻ em được đến trường, đời sống tâm linh hiện hữu trong tiếng chuông chùa thanh tịnh…

Trong số cán bộ, chiến sỹ chúng tôi gặp trên đảo Đá Lát có Thiếu úy Trần Văn Khẩn, một cán bộ quân y đã hơn 10 năm gắn bó với Trường Sa. Đôi chân anh đã đi hết đảo lớn, đảo bé. Anh kể, lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, được đắm mình trong biển cả bao la, rộng lớn biếc một màu xanh thắm, anh quyết định gắn bó với biển đảo từ đó. Hơn mười năm, vẻn vẹn vài tháng được về bên người vợ hiền. Cũng có lúc lòng da diết nhớ về đất liền, thèm nghe tiếng vợ và tiếng khóc của đứa con thơ, nhưng nơi đây vẫn đang rất cần những người như anh. Sự bình yên của biển đảo, sự an vui của ngư dân là niềm hạnh phúc lớn nhất, níu chân anh và đồng đội ở lại nơi đầu sóng này.

Giữa biển khơi trùng điệp, đoàn công tác vui mừng gặp mặt được hơn 50 người con Thủ đô đang công tác tại đảo. Những chàng trai nơi đô thành giờ đây ai nấy đều rắn rỏi, gương mặt sạm nắng gió. Rạng rỡ niềm vui và cả những giọt nước mắt của những người con lâu ngày được gặp người thân, những sỹ quan, chiến sỹ của Thủ đô thi nhau kể chuyện về cuộc sống ngoài đảo xa, nhưng tuyệt nhiên chỉ có chuyện vui, những kỷ niệm đẹp về cuộc sống nơi đây. Khi được hỏi "có vất vả không?" thì người nào người nấy đều khẳng định là rất vinh dự, tự hào và cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam. Mười hai ngày từ Hà Nội đến Trường Sa chắc chắn là những khoảnh khắc khó quên nhất cuộc đời của mỗi thành viên trong đoàn công tác ra đảo lần này. Những cung bậc tình cảm được thể hiện một cách sống động nhất. Đến Trường Sa để sẻ chia sự vất vả, gian khổ, rời Trường Sa để tiếp tục chăm lo cho Trường Sa vững vàng hơn nữa nơi đầu sóng ngọn gió. Bởi trong trái tim Hà Nội luôn có một Trường Sa.

Dịp ra thăm đảo lần này, các tỉnh, TP đã trao tặng cho quân, dân Trường Sa, DK1 hơn 10,5 tỷ đồng. Cùng với Nhà văn hóa Song Tử Tây trị giá 16 tỷ đồng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô xây tặng khánh thành năm nay; năm 2010, Hà Nội cũng đã tặng đảo Trường Sa Lớn công trình Nhà khách Thủ đô. Ngoài ra, đoàn công tác của TP Hà Nội thăm Trường Sa lần này còn tặng nhiều trang thiết bị thiết yếu, sách báo và tặng quà cho quân và dân đang sinh sống, làm việc trên các đảo và Nhà giàn DK1.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong trái tim Hà Nội luôn có một Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.