Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọng trách khó khăn

Trung Hiếu| 29/08/2012 07:10

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16 Phong trào Không liên kết (NAM) với chủ đề


Tại hội nghị, Iran sẽ chính thức tiếp quản ghế Chủ tịch NAM từ Ai Cập và đảm nhận cương vị này trong 3 năm tới (2012-2015). Giữa lúc khu vực Trung Đông đang nóng như chảo lửa, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran chưa có lối thoát, tình hình Syria chưa được cải thiện... dư luận cho rằng, đây sẽ là một thử thách với chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.


Cuộc gặp cấp Bộ trưởng chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16 của NAM đã diễn ra tại thủ đô Tehran, Iran.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, cuộc họp chuyên viên cấp cao của NAM vừa kết thúc (27-8), với việc công bố dự thảo để xem xét tại hội nghị cấp bộ trưởng (ngày 28 và 29-8) và cuối cùng sẽ trình Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16. Theo đó, văn bản đưa ra tín hiệu quyết tâm theo đuổi hòa bình, công bằng và tôn trọng luật pháp như một mục tiêu bất biến của NAM. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Mahdi Akhounzadeh, Tổng Thư ký hội nghị nêu rõ, đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ đã đạt được đồng thuận bác bỏ mọi hình thức "chiếm đóng" trên thế giới, hủy bỏ vũ khí hạt nhân và kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới tích cực tham gia chiến dịch phản đối các loại vũ khí hóa học. Để phù hợp với khẩu hiệu "năng lượng hạt nhân dành cho tất cả, vũ khí hạt nhân không để cho ai", văn bản trình Hội nghị Thượng đỉnh NAM kêu gọi biến Trung Đông đang nóng bỏng thành khu vực phi hạt nhân. Ngoại trưởng Iran Ali-Akbar Salehi cũng cho biết, vấn đề đưa người Palestine trở lại "các vùng đất bị chiếm đóng" để người dân Palestine tự quyết định số phận của họ cũng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh NAM lần này...

Tehran đã chuẩn bị kỹ cho hội nghị trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, bao vây của Mỹ và phương Tây do cuộc khủng hoảng hạt nhân. Dư luận khu vực cho rằng, đây là cơ hội để Iran tìm kiếm thêm vị thế ngoại giao, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia NAM về vấn đề hạt nhân mà Tehran luôn khẳng định là vì mục đích hòa bình. Trước thềm hội nghị, Tehran một lần nữa khẳng định, các biện pháp trừng phạt đơn phương hiện nay của phương Tây đều đi ngược lại hiến chương Liên hợp quốc. Cùng với đó, trong một động thái liên quan, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Akhounzadeh (ngày 27-8) cho biết, nước này có thể mời đại diện các nước thành viên NAM đến thăm khu quân sự Parchin ở Đông Nam Iran, nơi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nghi ngờ Iran đang thực hiện các thí nghiệm hạt nhân cho mục đích quân sự. Chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng đã đưa ra lời kêu gọi các nhà lãnh đạo của NAM thể hiện lập trường phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Tehran tại Hội nghị Thượng đỉnh NAM... Như một cơ hội không thể bị bỏ lỡ, Iran đang tận dụng NAM như một diễn đàn đa phương để bày tỏ quan điểm; đồng thời thu hút thêm đồng minh trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đang bế tắc.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh NAM lần thứ 16, một sự kiện được dư luận chú ý là Iran và Ai Cập sẽ chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao sau ba thập kỷ bị gián đoạn. Cái bắt tay nồng ấm đang được chờ đợi tại cuộc gặp thượng đỉnh NAM vào những giờ tới không hứa hẹn nhận được thái độ đồng tình của phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Israel. Không phải ngẫu nhiên khi đề cập đến Hội nghị Thượng đỉnh NAM lần thứ 16 tại Tehran, Washington cho rằng, đây là một "dấu hiệu bất thường". Còn Tel Aviv lại buộc phải có bước đi mới.

Vượt lên tất cả, nước chủ nhà Iran đang gặt hái những thành công bất ngờ. Với chủ đề hướng tới một nền hòa bình, Tehran đã hướng tới không chỉ mong muốn của người dân khu vực mà còn của cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Vào thời điểm này, cộng đồng quốc tế nói chung và NAM nói riêng hơn lúc nào hết mong muốn Iran - trước một trọng trách khó khăn - sẽ thúc đẩy hơn nữa tình đoàn kết giữa các nước thành viên để NAM tiếp tục là một tổ chức đa phương với các hoạt động hiệu quả vì một nền hòa bình, thịnh vượng chung trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọng trách khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.