Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọng tâm là các thị trường truyền thống

Bảo Chân| 21/01/2010 07:41

(HNM) - Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, kết thúc năm 2009, Việt Nam đã có 75.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, đạt 83% kế hoạch đề ra. Việc không đạt được mục tiêu của năm trong thời điểm hầu hết các nước tiếp nhận lao động nước ngoài đều gặp khủng hoảng kinh tế, phải cắt giảm lao động là điều dễ hiểu.

Lớp đào tạo điều dưỡng, hộ lý lão khoa (thuộc Bệnh viện Lão khoa TƯ) cung cấp cho các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, gia đình và xuất ngoại.


Bước sang năm 2010, để thúc đẩy các chương trình đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, việc tập trung mạnh vào các thị trường truyền thống vẫn được xem là khả thi nhất.

Có thể nói, 75.000 lao động được xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài trong năm 2009 là sự cố gắng lớn của cơ quan chức năng cũng như của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Nhìn lại cuối năm 2008 và nửa đầu năm 2009, tình hình kinh tế tại các nước tiếp nhận nhiều lao động khá ảm đạm. Nhiều nước vốn tiếp nhận nhiều lao động như Hàn Quốc, Nga, Malaixia, Đài Loan đã phải cắt giảm chỉ tiêu, thậm chí một số trường hợp lao động Việt Nam tại nước ngoài còn phải về nước trước thời hạn.

Trong bối cảnh đó, để tạo việc làm mới cho người lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã đẩy mạnh đàm phán và ký kết hợp tác lao động với nhiều nước để tạo khung pháp lý đưa lao động Việt Nam vào các nước như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UEA), Cộng hòa Cadắcxtan... Ngoài ra, nhiều nước đang ở mức độ đàm phán chuẩn bị ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động như Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Bêlarút, Libi và một số bang của Canađa.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, mặc dù tình hình kinh tế có nhiều dấu hiệu khả quan, nhiều nước đã bắt đầu nhận lao động trở lại nhưng các thị trường truyền thống vẫn được coi là trọng tâm. Bởi khi nền kinh tế phục hồi, các thị trường này vẫn là nơi nhận lao động với số lượng lớn, trong đó có lao động Việt Nam như các thị trường Trung Đông, Đài Loan (Trung Quốc), Malaixia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thống kê cho thấy, năm 2009 Đài Loan là nước nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 21.667 trường hợp; Hàn Quốc là 9.336; Lào là 9.070, Nhật Bản có 5.456 tu nghiệp sinh và lao động; Libi là 5.241; UEA là 4.732 lao động...

Tuy nhiên khi đưa lao động trở lại, ông Quỳnh cũng lưu ý, đối với một số thị trường như Malaixia, các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần thẩm định các hợp đồng tốt, ít rủi ro. Đối với thị trường Trung Đông, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo triển khai chương trình đưa 4.000 lao động sang làm nhân viên bảo vệ. Nếu thực hiện tốt chương trình này sẽ là cơ sở để tiếp tục đưa nhiều lao động sang Trung Đông làm việc. Riêng đối với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), đây vẫn là thị trường trọng điểm đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chế tạo hoặc tại các viện dưỡng lão. Lao động tại thị trường Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ tăng nhiều hơn trong năm 2010.

Như vậy, các nước có nhiều khả năng nhận lao động Việt Nam sang làm việc vẫn chủ yếu là các thị trường truyền thống. Những thị trường này vừa nhận nhiều lao động, vừa có yêu cầu phù hợp với kỹ năng, tay nghề của lao động Việt Nam. Tuy nhiên, để khai thác và mở rộng thị trường cho lao động có kỹ thuật cao, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các doanh nghiệp từng bước thực hiện khai thác hợp đồng đưa lao động trình độ cao sang các nước như Ôxtrâylia, NiuDilân, Canađa, Phần Lan, Thụy Điển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọng tâm là các thị trường truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.