(HNMCT) - Trong vòng 5 năm trở lại đây, có một lứa nữ tác giả, nhà văn viết chững chạc, khẳng định tên tuổi, tạo ra không khí mới trên văn đàn. Điều đáng nói, rất nhiều người trong số họ là những giáo viên giàu nhiệt huyết đóng góp cho sự nghiệp trồng người.
Thành công rực rỡ của nữ nhà giáo
Trong rất nhiều tác giả nữ là nhà giáo viết văn thành công, có thể kể đến các gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Hải Yến, Mai Thị Hồng Quế, Khánh Liên, Nguyệt Chu, Nguyễn Thị Kim Hòa, Vũ Thị Thanh Hòa, Nguyễn Thu Hằng, Trần Thúy Lành, Lưu Thị Mười, Lưu Tử Anh, Trần Thị Tú Ngọc, Bảo Thương, Võ Diệu Thanh, Đào An Duyên... Trong đó, vào đầu năm 2020, Nguyệt Chu, Nguyễn Hải Yến, Khánh Liên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Một niềm vui nữa, trong cuộc thi truyện ngắn Lửa mới năm 2019 của Tạp chí Văn nghệ quân đội, tại lễ trao giải diễn ra vào ngày 15-1-2020, ba tác giả được xướng tên là Bảo Thương, Trần Thị Tú Ngọc và Nguyệt Chu (lần lượt giải nhì, ba, tư). Nguyệt Chu, một cô giáo sinh sống và làm việc tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), cho rằng mình đã đạt cùng lúc ba niềm vui lớn, đó là sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội ít ngày, thì nhận được tin vui đoạt giải thưởng và may mắn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. “Những thành công, sự ghi nhận ấy là niềm vui, song cũng là áp lực thúc đẩy chúng tôi phải cố gắng hơn nữa”, nhà văn Nguyệt Chu chia sẻ.
Nói đến chuyện giải thưởng và sự ghi nhận, nhà văn Nguyễn Hải Yến với tập truyện ngắn Quán thủy thần đã được trao giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng đó là niềm động viên to lớn không chỉ với tác giả mà là cả nền văn học trẻ. Theo nhiều nhà phê bình, năm 2019 là năm nở rộ thành công của các nữ nhà giáo viết văn.
Phải chăng, nhà giáo có lợi thế trong sáng tác? Nữ nhà văn Bảo Thương cho biết: “Với riêng tôi, việc dạy văn khiến mình thường suy tư, chiêm ngẫm về nhân tình, thế thái, con người, cuộc sống..., điều đó giúp trang văn có chiều sâu. Tuy nhiên, nhà giáo viết văn cũng có hạn chế bởi phần nào chịu ảnh hưởng từ “văn chương nhà trường”, và thường không dám vượt thoát tính khuôn mẫu trong khi văn chương lại cần điều đó, vượt càng xa càng tốt. Tôi vẫn đùa với bạn bè rằng Bảo Thương muốn làm nhà văn - cô giáo, chứ không muốn làm cô giáo - nhà văn”. Còn nhà văn Nguyễn Hải Yến phân tích: “Theo tôi, nghề nào cũng có lợi thế để viết. Chỉ có điều là cần biết viết những gì và viết như thế nào để thành công. Nghề giáo là nghề nằm trong khuôn khổ nên nếu không tự bứt phá thì dễ tự trói buộc trong khuôn khổ nhàm chán. Mặt khác, nếu không tự học hỏi nghiêm túc thì sẽ tạo ra thứ văn chương nhàn nhạt”.
Có thể nói, lợi thế đối với nhà giáo là được tiếp xúc với giới trẻ, tâm hồn giữ được sự trong trẻo dài lâu. Lợi thế còn thể hiện ở cách viết, cách diễn đạt vấn đề có nghề. Nhưng áp lực của nghề giáo khiến nhiều giáo viên phải đi làm cả ngày, họ viết giữa hai tiết học, tranh thủ sau khi xong việc ở trường, hoặc viết đêm. Chưa kể, có những lãnh đạo nhà trường không mặn mà với việc giáo viên viết văn, cho rằng việc viết sẽ khiến giáo viên khó tập trung vào chuyên môn, ảnh hưởng đến chất lượng, thành tích của nhà trường...
Phải yêu nghề viết và yêu nghề giáo nhiều lắm thì mới cùng lúc làm tốt hai việc. Nhà văn Nguyễn Hải Yến cho biết thêm: “Tôi yêu văn chương từ nhỏ, luôn coi văn chương cùng với các bộ môn nghệ thuật khác là nguồn dinh dưỡng của tâm hồn, để tâm hồn con người được phong phú, đằm sâu và nhân ái. Yêu văn chương, tôi làm nghề dạy học, cũng mong thỏa một phần ước mơ làm sao cho nhiều người trẻ cũng yêu văn, cũng biết khám phá vẻ đẹp ẩn sâu dưới những tầng ngôn ngữ chuyên chở ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa và hạnh phúc được làm người. Đó là một việc khó, nhưng hấp dẫn. Viết văn hấp dẫn hơn nhưng cũng khó khăn hơn bội phần bởi vì dạy văn là cùng học trò hưởng thụ, còn viết văn là làm, là tạo ra nguồn thực phẩm nuôi dưỡng tâm hồn. Dạy văn là nói với dăm ba chục người, còn viết văn là “nói” với rất nhiều người. Cho nên tôi tự dặn mình phải nỗ lực không ngừng”.
Đường dài phía trước
Thực tế, không ít tác giả sau khi có được một, hai giải thưởng, hoặc sau khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam thì không sáng tác nữa, hoặc có sáng tác nhưng không có thành tựu. Bởi thế, với mỗi nhà văn, kể cả nữ nhà văn là giáo viên thì việc sẵn sàng “chạy đường dài” là vô cùng cần thiết. Trong vòng ít nhất 5 năm qua, tất cả các nữ tác giả kể trên đều viết sung sức, cộng tác thường xuyên mảng truyện ngắn trên các báo trung ương và địa phương, các tạp chí văn nghệ, có tác phẩm được xuất bản thành sách và được đánh giá cao.
Chia sẻ về nghề viết, các nữ nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, Mai Thị Hồng Quế, Bảo Thương đều cho rằng viết là công việc nhọc nhằn. Điều đó luôn luôn đúng, bởi viết văn đôi khi như sự hành xác, là công việc kiểu “giời đày” mà phải có đam mê, bản lĩnh mới có thể đi đường dài, gặt hái thêm thành công chứ không chỉ lóe sáng nhất thời. Nhà văn Bảo Thương bày tỏ: “Giải thưởng nào cũng là niềm vui và vinh dự lớn, nó đánh dấu giai đoạn trưởng thành của một người viết, nó cũng là kết quả của quá trình khổ công, nỗ lực. Tuy nhiên, với người viết, cần quên giải thưởng đi. Nó chỉ có giá trị ở một khoảnh khắc mà thôi, mà con đường sáng tạo phía trước lại dằng dặc và đầy chông gai. Sự tự khẳng định của người viết đâu chỉ thể hiện qua khoảnh khắc, mà phải là ghi dấu ấn trên cả chặng đường dài”.
Tâm huyết và sự cố gắng của nhiều nhà văn, tác giả đã được ghi nhận. Với họ, tiếp sau đó sẽ là hành trình làm mới mình, cố gắng nâng mình lên một tầm cao mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.