(HNM) - Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch) lần thứ VII năm 2014 vừa được công bố tối 24-3 tại TP Hồ Chí Minh. Khác với mọi năm, mặc dù vẫn xét giải ở các lĩnh vực Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục, Dịch thuật, Nghiên cứu và Việt Nam học, song Hội đồng khoa học chỉ tìm được 4 đại diện cho 3 hạng mục để trao giải.
- Ông nhận định thế nào về số lượng cũng như chất lượng tác phẩm dự giải năm nay?
- Năm nay, nét mới là Hội đồng khoa học được bổ sung thêm 4 thành viên mới gồm GS.TS Huỳnh Như Phương; PGS.TS Nguyễn Kim Sơn; chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đức Thành; TS Vũ Thành Tự Anh. Mùa giải này, các hạng mục đều nhận được các đề cử nhiều hơn, cũng có trường hợp phải thảo luận kỹ với tinh thần thẳng thắn, xây dựng… song việc lựa chọn khá tập trung. Đặc biệt, giải vẫn trung thành như tiêu chí mọi năm, các tác phẩm đoạt giải thưởng Phan Châu Trinh lần VII đều phải được Hội đồng khoa học đồng thuận 100%.
Bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao tặng giải thưởng cho nhạc sỹ Lư Nhất Vũ (Nguồn ảnh: www.quyphanchautrinh.org) |
Năm nay, có 4 người đoạt giải, trong đó có một giải Nghiên cứu, một giải Dịch thuật, 2 giải Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục… Cụ thể, giải Vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục được trao cho nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp xuất sắc của ông, bà trong việc sưu tầm và truyền bá văn hóa dân gian Nam bộ. Cùng nhận giải trong hạng mục này còn có ông Thomas J.Valleyly (nguyên Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard từ năm 1989 - 2013).
Giải Dịch thuật được trao cho PGS.TS Ngô Đức Thọ vì những đóng góp xuất sắc của ông trong dịch thuật, truyền bá văn hóa Hán Nôm. Năm nay, nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường được trao giải Nghiên cứu.
- Như vậy là Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm nay không tìm được đại diện cho hạng mục Việt Nam học?
- Đúng như vậy, Giải Việt Nam học cũng có một vài đề cử, Hội đồng khoa học đã xem xét tuy nhiên chưa thấy thỏa mãn và để tránh tình trạng vội vàng cập rập, nên chúng tôi đã quyết định để trống ở hạng mục này.
- Có ý kiến cho rằng Giải thưởng Phan Châu Trinh ghi nhận nhiều dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, giáo dục liên quan đến khối Pháp ngữ. Liệu giải thiên về các đề cử trong cộng đồng Pháp ngữ hay do hạn chế về nguồn đề cử?
- Kết quả các giải thưởng đều phải dựa trên những đề cử của thành viên Hội đồng khoa học hoặc các cá nhân từng đoạt Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh. Do đó, việc ghi nhận các dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, giáo dục… thuộc cộng đồng Pháp ngữ là một kết quả khách quan phụ thuộc vào sự đề cử. Bên cạnh đó, thực tế là giải thưởng đã tôn vinh các nhà văn hóa, khoa học thuộc các khu vực khác ngoài khối Pháp ngữ như Nga, Nhật, Australia… Về nguồn đề cử, tôi cho rằng vẫn còn rất phong phú và không lo thiếu các đại diện cho hạng mục này.
- Giải thưởng vừa chính thức công bố kết quả, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh có quan tâm tới các phản hồi nếu có với các giải thưởng không, thưa ông?
- Phản hồi của dư luận với giải thưởng là điều chúng tôi hết sức quan tâm. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh sẵn sàng đối thoại với công chúng, các chuyên gia quanh giải thưởng năm nay.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.