Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân

Hương Ly| 15/10/2022 06:36

(HNM) - Trải qua 92 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng Việt Nam, công tác dân vận luôn được Đảng bộ thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, có những cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Tạo đồng thuận trong nhân dân

Truyền thống công tác dân vận của Đảng gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến tháng 10-1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15-10-1930 là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15-10 hằng năm là Ngày “Dân vận” của cả nước... Trải qua 92 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Cùng với đội ngũ cán bộ dân vận cả nước, đội ngũ làm công tác dân vận thành phố Hà Nội luôn phát huy truyền thống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô trong các thời kỳ cách mạng.

Công tác dân vận của Đảng bộ thành phố từng bước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên toàn thành phố, việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt. Công tác dân vận của các lực lượng vũ trang Thủ đô được tăng cường. Công tác dân vận chính quyền đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kỷ cương, kỷ luật hành chính; nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm phục vụ nhân dân, tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân được nâng lên; qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân…

Gắn công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, tiếp nối những kết quả đã đạt được, 9 tháng năm 2022, cùng với việc tham mưu với Thành ủy ban hành Quyết định số 2387-QĐ/TU ngày 24-1-2022 về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố, hệ thống dân vận đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố. 

Đáng chú ý, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhận được 9.608 mô hình đăng ký. Qua tổ chức triển khai phong trào, nhiều việc mới, việc khó, phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, 4.753 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố đã thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, gắn với thực hiện chủ đề công tác năm của thành phố.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, công cuộc đổi mới và phát triển Thủ đô đang đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi công tác dân vận cần không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện. Chính vì vậy, toàn ngành Dân vận Thủ đô phải thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” và nắm chắc bài học “Tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân”.

Về nhiệm vụ thời gian tới, nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, đây là dự án quan trọng quốc gia, với yêu cầu rất cao về tiến độ giải phóng mặt bằng. Vì vậy, 7 quận, huyện có dự án đi qua, gồm: Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Sóc Sơn, Thường Tín, Hà Đông, Thanh Oai cần chủ động nghiên cứu và đề xuất các phương án để triển khai thực hiện dự án, nhất là phương án di dời nghĩa trang, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Trên cơ sở đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, nhất trí cao với các dự án của Trung ương và thành phố, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.