(HNMCT) - Ngày nay, người ta tổ chức lễ cưới quanh năm chứ không quá nặng nề với suy nghĩ chờ "mùa cưới". Nhưng dù sao thì khi đông về xuân tới, số cặp đôi làm lễ để về với nhau vẫn nhiều hơn. Năm nay, năm thứ hai thế giới quay cuồng vì đại dịch Covid-19, mùa cưới mang màu sắc ảm đạm.
Hai tuần qua, lác đác những câu chuyện kể về "đám cưới thu nhỏ" được tổ chức ở nhiều nơi. Ai cũng lo địa điểm tổ chức ngày vui của mình/ của con mình trở thành nơi phát tán nguồn lây nhiễm SARS-CoV-2, tạo thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Mà muốn không lo cũng chẳng được, bởi đã có quy định về việc hạn chế số người tham gia việc cưới, việc tang, "thêm bát thêm đũa" là có thể thành "chuyện" trên mạng xã hội ngay lập tức. Hơn nữa, nếu có cố mời thì chắc gì đã có nhiều người vượt qua rào cản tâm lý để tới tham dự, cỗ bàn chuẩn bị rồi ế ra đấy thì làm sao, không thể liều được.
Thế rồi số đám cưới được tổ chức gọn nhẹ nhiều hẳn lên. Nhiều nhà động viên các con đi đăng ký kết hôn, soạn tiệc trà hoặc ăn uống với "quy mô nhỏ", chủ yếu báo hỷ là chính, đỡ lo chạy vạy tiền bạc lại được tiếng văn minh. Nhưng cũng có một số chỉ tạm hoãn việc tổ chức tiệc cưới, chờ tới ngày yên ả thì làm lễ ra mắt họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè cho cô dâu chú rể. Như thế thì các cặp đôi không lỡ dịp "về với nhau", lại vẫn có cơ hội tổ chức tiệc cưới "cả đời mới có một lần, không thể thua chị kém em được". Ở đâu đó có chuyện tổ chức "cưới online", lạ hơn nữa là chuyện nhà trai, nhà gái soạn mâm đủ đầy rồi ship cỗ cưới đến cho khách mời và họ hàng, đỡ lo chuyện tập trung đông người...
Báo chí dẫn thông tin từ cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội, cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn Thủ đô có gần 1.400 đám cưới được tổ chức theo hình thức văn minh, gọn nhẹ; nhiều nhà chỉ báo hỷ. Việc tổ chức cưới văn minh cũng diễn ra phổ biến trong mùa dịch ở Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Lai Châu, Hà Giang, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu...
Dù sao, nhìn chung thì số đám cưới tổ chức phù hợp nếp sống văn minh và quy định phòng, chống dịch cũng chiếm tỷ lệ áp đảo trên phạm vi cả nước. May mà là thế! Và may hơn nữa là dư luận đồng tình với phương án tổ chức cưới gọn nhẹ, ngay cả đa số người trong cuộc cũng không có ý phàn nàn về sự giản tiện cần phải áp dụng trong tình huống có tính đặc thù. Nhà giàu hay nhà nghèo, người muốn giản dị hay phô trương thì cũng vậy.
Màu sắc mùa cưới năm nay là vậy, không được như ý với một số gia đình nhưng chắc chắn được xã hội hoan nghênh. Xét trên phương diện quản lý lĩnh vực văn hóa và gia đình, hơi chua xót một chút nhưng chính vì dịch Covid-19 mà chúng ta có nhiều hơn những đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới so với khi chưa có dịch. So với những mất mát, đau thương không thể kể hết mà cả nước phải gánh chịu do đại dịch, nếu có thể tận dụng "đà" cưới văn minh trong năm nay cũng như năm 2020 vừa qua để động viên nhà nhà từ nay tổ chức lễ cưới theo hướng gọn nhẹ mà trang trọng thì tốt biết bao. Nếu được như thế, kể như cảm giác nặng nề trước những gì mà chúng ta phải chịu đựng trong gần 2 năm qua nhẹ đi phần nào.
Từ trong đại dịch vẫn chưa chấm dứt mà nhìn ra, ngẫm thấy việc cưới, việc tang trước kia đã lâu của nhiều gia đình thật đáng quan ngại. Tâm lý "trả nợ miệng", nỗi ám ảnh "con gà tức nhau tiếng gáy", nghèo thì cũng phải bảo đảm linh đình cho "bằng chị bằng em", thậm chí tận dụng việc cưới, việc tang để thu vén tiền bạc..., đó đều là hành vi rất gần với hủ tục. Đành rằng tiệc cưới trong ngày vui thì phải lo sao cho trang trọng - khác với phô trương, lãng phí, nhưng niềm vui đâu đến từ số lượng bàn tiệc mà khách mời cả thân lẫn sơ, có khi gồm cả những người mà nhìn thấy nhau chỉ muốn quay mặt, rượu vào có khi "nói thẳng" khiến cô dâu chú rể phải ngơ ngác... Bởi thế, dịch Covid-19 là cơ hội để người Việt thêm một lần nhận chân giá trị cuộc sống, hướng tới những gì được coi là văn minh thực chất, từ đó bớt đi những rườm rà trong cách ứng xử, trong cách tổ chức việc cưới, việc tang và nhiều điều khác nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.