(HNM) - Iraq đang hoàn tất những chuẩn bị cuối cùng để bước vào cuộc bầu cử địa phương đầu tiên kể từ năm 2010.
Tuy nhiên, trước thềm cuộc bỏ phiếu quan trọng này, bóng đen bạo lực, xung đột đẫm máu xảy ra liên tiếp và đe dọa sự thành công của sự kiện quan trọng với người Iraq. Tính đến nay, trước khi cuộc bầu cử địa phương diễn ra đã có 14 ứng cử viên tiềm năng bị ám sát và chỉ có 12 trong tổng số 18 tỉnh của quốc gia Trung Đông này được tiến hành bầu cử.
Trong một diễn biến mới nhất, ứng viên Hatim Mohammed al-Dulaimi tranh cử vào hội đồng tỉnh Salaheddin đã bị bắn chết ngay gần nhà riêng ở Baiji, phía bắc thủ đô Baghdad. Ít giờ sau đó, ứng viên tại tỉnh Diyala, ông Najm al-Harbi, cũng thiệt mạng trong một vụ đánh bom nhằm vào xe riêng. Cả hai nạn nhân đều là người Hồi giáo dòng Sunni. Trước đó không lâu, Chính phủ Iraq đã quyết định hoãn cuộc bầu cử tại tỉnh Anbar và Nineveh có đa số người Sunni sinh sống vì lo ngại các vấn đề an ninh. Quyết định này càng làm gia tăng bất bình trong cộng đồng người Sunni vốn cho rằng, họ bị chính phủ do người Shiite nắm giữ phân biệt đối xử và gạt ra ngoài lề.
Trong khi đó, bất chấp nỗ lực của cảnh sát và lực lượng an ninh, càng gần đến ngày người Iraq đi bỏ phiếu chọn hội đồng địa phương, các vụ bạo lực và đánh bom tự sát càng diễn ra dày đặc hơn tại khắp các thành phố. Vụ tấn công bằng bom xe có tổ chức cướp đi sinh mạng của ít nhất 27 người và làm 165 người bị thương đã rung chuyển đất nước Trung Đông khi ngày bầu cử đang đến rất gần. Theo các quan chức an ninh và y tế Iraq, tổng cộng 14 bom xe và 3 quả bom cài bên đường đã phát nổ tại 7 thành phố. Riêng ở thủ đô Baghdad, 7 quả bom xe phát nổ trong giờ cao điểm đã cướp đi sinh mạng của 10 người và làm 50 người bị thương. Tại miền bắc Iraq, 3 quả bom đã phát nổ chỉ cách nhau vài phút tại thành phố Tuz-Khurmato làm 6 người thiệt mạng và 60 người bị thương. Theo thống kê, trong tháng 3-2013 đã có tới 271 người thiệt mạng trong các vụ xung đột ở Iraq, con số cao nhất kể từ tháng 8-2012.
Dù tình trạng bạo lực thường có xu hướng gia tăng mỗi khi Iraq tiến hành những sự kiện chính trị quan trọng, nhưng các vụ ám sát liên tiếp nhằm vào ứng viên và bạo lực gần đây đã phủ bóng lên những nỗ lực thực hiện tiến trình dân chủ của Baghdad. Bầu không khí chính trị căng thẳng tại nước này cũng là chỉ dấu rõ ràng cho thực tế đáng lo ngại về tình trạng chia rẽ, hận thù tôn giáo tại Iraq bất chấp những kế hoạch hòa giải của chính phủ. Trong một động thái thiện chí, nội các Iraq đã nhất trí về các sửa đổi quan trọng trong đạo luật cho phép thêm nhiều cựu thành viên của đảng Baath tham gia các vị trí trong chính quyền. Các đề xuất sửa đổi này được cho là "cử chỉ thân thiện" của chính phủ do người Shiite lãnh đạo nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của người Sunni và nếu được Quốc hội thông qua sẽ là một bước đi quan trọng trong quá trình hòa giải dân tộc ở Iraq. Tuy nhiên, các đề xuất này chưa biết có thể vượt qua được "cửa ải" Quốc hội, nơi các nghị sĩ người Shiite chiếm đa số hay không.
Hiện tại, giới chức Iraq cho biết, có khoảng 8.000 ứng cử viên tham gia cuộc đua tranh 450 ghế hội đồng các tỉnh và có khoảng 16,2 triệu cử tri sẽ tham gia bỏ phiếu vào ngày 20-4. Nhưng dư luận không đặt nhiều hy vọng vào việc cuộc bầu cử sẽ giúp giải quyết những bế tắc chính trị để hướng tới thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực tại Iraq. Tuy nhiên, tình hình Iraq đã cho câu trả lời rõ ràng rằng, chỉ khi nào các cộng đồng Sunni, Shiite và Kurd có được tiếng nói chung thì người Iraq mới thực sự được sống trong hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.