(HNM) - Từ khi về hưu, thương binh 4/4 Nguyễn Duy Tân (sinh năm 1947, ở 14 Nguyễn Khuyến, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội) luôn phát huy truyền thống anh hùng của CCB tàu không số, vượt mọi khó khăn, hỗ trợ đồng đội cũ có hoàn cảnh khó khăn, tri ân gia đình những người bạn chiến đấu đã hy sinh vì đất nước.
Năm 2007, Ban liên lạc CCB tàu không số TP Hà Nội được thành lập, ông Tân biết tin người bạn Nguyễn Như Hùng đã hy sinh ngay trong chuyến đi biển đầu tiên thay ông nhận nhiệm vụ rà phá thủy lôi. Ông quyết tâm đi tìm thân nhân liệt sĩ Hùng. Lần theo tài liệu của Lữ đoàn 125, ông đến xã Tây Mỗ (huyện Từ Liêm, Hà Nội), nhờ cán bộ UBND xã giúp đỡ. Sau nhiều tìm tòi, ông được gặp gia đình liệt sĩ Nguyễn Như Hùng. Từ đấy, hằng năm vào dịp lễ tết, ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, ngày giỗ của liệt sĩ Nguyễn Như Hùng, ông luôn có mặt trong gia đình như một thành viên. Ông Tân tâm sự: "Năm 1971, tôi nhận nhiệm vụ rà phá thủy lôi trên biển. Nguyễn Như Hùng thay tôi làm thợ máy tàu Nhật Lệ 43 và hy sinh khi tàu bị lộ trong chuyến đầu tiên chở vũ khí vào chiến trường. Nghĩa đồng đội như tình anh em, tôi mong có ngày được vào tận chiến trường Cà Mau năm xưa, tìm lại di vật của Hùng". Hoàn cảnh thân nhân liệt sĩ Hùng rất khó khăn. Trong căn nhà cấp 4 của bố mẹ để lại, hai chị gái của liệt sĩ đã ngoài 70 tuổi, đơn thân, sống nương tựa vào nhau. Ông thấy mình phải có trách nhiệm, thay người đã khuất chăm sóc gia đình. Vừa tiết kiệm, để dành lương hưu, vừa vận động đồng đội san sẻ để giúp đỡ thân nhân của liệt sĩ Hùng, ông coi gia đình liệt sĩ như chính gia đình mình. Nhằm hỗ trợ thân nhân gia đình liệt sĩ và đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, nhân dịp Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 năm nay, ông Tân và đồng đội CCB tàu không số đang từng ngày vận động, quyên góp để tặng sổ tiết kiệm nghĩa tình đồng đội.
Tuy đã về hưu, lương thấp, hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng sức khỏe, nhưng ông Tân luôn nghĩ tới những người đồng đội có hoàn cảnh không may mắn bằng mình. Hiện ông đang liên lạc với những đồng đội còn sống sót sau những chuyến hủy tàu, chắp nối thông tin, tìm lại di vật nhằm đáp ứng nguyện vọng tìm mộ người thân của các gia đình liệt sĩ. Công việc này vừa khó khăn, vừa tốn kém. Tuy vậy, với trách nhiệm của một người lính, ông Tân luôn nhắc nhủ mình phải cố gắng vì "đó là bổn phận của những người còn sống đối với những người đã hy sinh xương máu vì đất nước".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.