(HNMO) - Những ngày qua, tiết trời rét đậm, rét hại tại miền Bắc đã khiến bệnh nhân đột quỵ gia tăng, trong đó có trường hợp đột quỵ vì tập thể dục quá sớm.
Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai |
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 40 bệnh nhân đột quỵ, tăng đáng kể so với trước. Đáng chú ý, nhiều trường hợp bị đột quỵ khi tập thể dục vào sáng sớm.
Trong đó, một trường hợp nam giới đi tập thể dục lúc sáng sớm (khoảng 4h sáng) bị đột quỵ. Rất may người này đã được đưa vào viện cấp cứu kịp thời.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo không nên tập thể dục vào lúc sáng sớm. Những ngày trời lạnh, người dân có thể duy trì thói quen tập thể dục nhưng tập muộn hơn, khoảng 8h-9h và tập theo sức.
Trên website của Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ ba dấu hiệu cơ bản để nhận biết đột quỵ. Đó là: Người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội; bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo; đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.
Khi có dấu hiệu trên, các biện pháp lấy máu ở đầu ngón tay, sau tai đều không có tác dụng trong sơ cứu đột qụy, mà việc đầu tiên người nhà cần làm là gọi cấp cứu 115.
Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách: Để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể nhằm tránh bị đờm, dãi, thức ăn chảy vào miệng, mũi và vào phổi người bệnh; mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp.
Người nhà dùng khăn quấn vào ngón tay trỏ để lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh. Nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực và gọi trợ giúp của người xung quanh.
Nếu người bệnh bị co giật, người nhà lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng bệnh nhân nhằm tránh người bệnh cắn vào lưỡi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.