Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Trói” hay “cởi” là do cơ chế

Việt Nga| 03/06/2014 06:32

(HNM) - Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý game online...

Trước sức ép của dư luận xã hội về những tiêu cực có bắt nguồn từ game online gây ra, từ năm 2010, Bộ TT-TT đã ngừng cấp phép với dịch vụ này. Kết quả là, các DN trong nước gặp khó khăn trong duy trì bộ máy hoạt động, hoặc đứng trước nguy cơ có thể vi phạm pháp luật bất cứ lúc nào khi kinh doanh game không phép. Song, thị trường game không hề sụt giảm, người chơi chuyển sang chơi game do nước ngoài cung cấp tràn lan trên mạng vào thị trường trong nước, chơi game "lậu" của các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Thực tế các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra, xử phạt hành chính không ít DN trong nước "tiếp tay" cho DN nước ngoài trốn thuế hàng tỷ đồng khi cung cấp game lậu, nhưng biện pháp này cũng chỉ là "ném đá ao bèo"! Như vậy, có thể thấy việc không cấp phép cho DN trong nước kinh doanh vô hình trung đã đẩy các DN này vào cảnh khó khăn, thiệt hại, trong khi một lượng tiền không nhỏ của người chơi game trong nước lại "đổ" vào túi các DN nước ngoài.

Cần sớm có những hướng dẫn, quy định cụ thể để tạo điều kiện cho DN kinh doanh đúng pháp luật.


Từ sau ngày 1-9-2013, thời điểm Nghị định (NĐ) 72 do Chính phủ ban hành về quản lý dịch vụ internet và thông tin trên mạng - trong đó có quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh game online - có hiệu lực thi hành, một lần nữa dư luận đã lên tiếng cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn để "cởi trói" cho game online. Bộ TT-TT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện NĐ 72 và đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến góp ý. Theo Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, dự thảo thông tư đã cụ thể các tiêu chí phân loại trò chơi theo độ tuổi với những đặc điểm được thể hiện cụ thể bằng âm thanh, hình ảnh có thể tác động đối với mỗi nhóm lứa tuổi; đồng thời giao cho DN cung cấp game tự thực hiện phân loại. Trường hợp nhận thấy kết quả phân loại của DN không phù hợp với nội dung trò chơi và tiêu chí phân loại, Bộ yêu cầu DN điều chỉnh lại việc phân loại; nếu DN không chấp hành sẽ yêu cầu dừng phát hành. Các ý kiến góp ý dự thảo đều nhất trí song lo ngại việc giao cho DN tự phân loại trò chơi nhưng việc chế tài quy định chưa đủ sức răn đe có thể tạo kẽ hở cho DN vi phạm.

Theo NĐ 72, DN kinh doanh game chỉ phải lưu giữ thông tin cá nhân của game thủ đối với trò chơi G1 (loại trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau thông qua hệ thống máy chủ), nhưng trong dự thảo thông tư DN không chỉ lưu giữ thông tin với khách hàng chơi trò chơi G1 mà còn cả G2 (trò chơi chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ và G3, trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau) nhưng không tương tác với máy chủ. Việc mở rộng lưu giữ thông tin cá nhân người chơi game, theo lý giải của Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bản thân các DN cũng tự lưu giữ, do vậy có thể hiểu việc thông tư ra yêu cầu không gây khó khăn cho DN. Song, có ý kiến cho rằng rất khó có thể bảo đảm tính xác thực thông tin game thủ, khi điều này phụ thuộc vào người chơi, chủ đại lý game online. Có thể dễ dàng xác nhận điều này vì ngay việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước cũng có rất nhiều thuê bao đăng ký không chính xác. Đại diện các DN đã kiến nghị Bộ có biện pháp trước nạn game "lậu" đang hoạt động tràn lan và một trong những giải pháp đề xuất là phải kiểm soát "đầu ra" là cổng thanh toán trực tuyến thuộc quản lý của các DN viễn thông trong nước. Khách hàng trả tiền chơi qua thẻ cào điện thoại và các cổng thanh toán này thực hiện đối soát trả tiền cho DN nước ngoài. Theo đại diện Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, để giải quyết việc này không dễ và cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng.

Có thể thấy rằng, nhu cầu sớm có Thông tư hướng dẫn triển khai NĐ 72 của Chính phủ tạo tiền đề cho DN kinh doanh trò chơi trực tuyến hoạt động trở lại là cần thiết. Bộ TT-TT đã và đang nỗ lực sớm hoàn thành thông tư và đó chính là hành lang pháp lý giúp DN kinh doanh đúng pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Trói” hay “cởi” là do cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.