(HNM) - Hiện, cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, phát thải ra trên 20 triệu tấn tro, xỉ mỗi năm, nhưng hầu hết chưa được tái sử dụng như một nguồn nguyên liệu. Điều đó không chỉ khiến lãng phí mà còn có thể gây ô nhiễm môi trường, tốn kém tài nguyên đất để làm bãi chứa.
Bãi xỉ than khổng lồ của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Long An). Ảnh: Quế Hà |
Hao tốn quỹ đất
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến năm 2018, với số lượng và quy mô các nhà máy nhiệt điện phát triển theo quy hoạch, khối lượng phát thải tro, xỉ sẽ là 61 triệu tấn; đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn. Trong khi, tổng lượng tro, xỉ được sử dụng làm nguyên liệu mới chỉ chiếm 30%, đòi hỏi mỗi năm mất hàng nghìn héc ta đất làm bãi chứa và gây áp lực ô nhiễm môi trường. Nguy cơ trước mắt là các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa phế thải tro, xỉ.
Tại một số nước phát triển như Italia, Hà Lan, Đan Mạch, Mỹ, Nhật, Pháp… 90% lượng tro, xỉ phát thải được sử dụng trong san lấp, làm đê kè, nền đường, phụ gia xi măng, cốt liệu nhẹ, bê tông đúc sẵn, gạch không nung…; ứng dụng công nghệ cao hơn như thu hồi kim loại, chất độn cho polymer, chất dẻo PE, PP… Theo Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Lê Đức Long, các nước phát triển đã sử dụng hiệu quả phế thải công nghiệp như nguồn nguyên liệu. Một số nước có chính sách khuyến khích, trả thêm tiền cho đơn vị sử dụng tro, xỉ làm vật liệu. Trong khi ở Việt Nam, không phải đơn vị nào cũng biết loại phế thải này có thể dùng thay thế nguyên liệu tự nhiên. Quan trọng hơn, chưa thấy được lợi ích khi vẫn phải bỏ kinh phí mua như những loại nguyên liệu khác và chi phí cho công nghệ tái chế cao hơn nên giá thành sản phẩm thiếu cạnh tranh.
“Giai đoạn năm 2005-2010, quanh Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có 5-6 cơ sở sản xuất tro bay làm phụ gia cho bê tông đầm lăn thủy điện Sơn La. Tuy nhiên, sau khi thủy điện Sơn La xây dựng xong, các đập thủy điện lớn ít dần nên một nửa số cơ sở đó đã giải thể. Việc sử dụng không nhiều nên ít doanh nghiệp đầu tư vào tái chế hoặc không thấy có lợi nên không đầu tư” - ông Long nêu ví dụ.
Cần cơ chế bắt buộc
Theo đánh giá của các nhà khoa học, các nhà máy xi măng, vật liệu xây dựng, công trình giao thông, thủy lợi… đang có nhu cầu rất lớn về sử dụng tro, xỉ, thạch cao và hoàn toàn có thể tiêu thụ hết khối lượng phát thải ra từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thay thế cho lượng thạch cao vẫn phải nhập khẩu; đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu, đồng thời khắc phục được vấn đề môi trường, lãng phí tài nguyên đất. Ngày 23-9-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg, giao các bộ, ngành, địa phương sử dụng tối đa tro, xỉ phát thải. Tuy nhiên, do nhiều nhà máy dùng nước biển phun vào tro, xỉ để dập bụi khiến tro, xỉ nhiễm mặn không thể tái sử dụng.
Mục tiêu đến năm 2020, 75 triệu tấn tro, xỉ sẽ được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, chiếm 52% tổng lượng tích lũy. Trong đó, tái sử dụng tro, xỉ nhiệt điện đạt 55 triệu tấn; tái sử dụng thạch cao nhiệt điện đạt 2 triệu tấn; tái sử dụng thạch cao phân bón, hóa chất đạt 15 triệu tấn... |
Theo ông Lê Đức Long, để doanh nghiệp đầu tư phải cho họ thấy được lợi ích và đầu ra. Hiện, chính sách đã có nhưng mới ở tầm vĩ mô, chưa cụ thể chi tiết lợi ích ở đây bằng tiền, giảm thuế hay ưu đãi đất đai. Ngoài ra, cũng cần có quy định cơ sở phát thải phải trả phí cho người sử dụng, đầu tư xử lý nguồn thải đó; đồng thời, có chế tài hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên nếu đã có nguồn phế thải công nghiệp thay thế.
Được biết, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất Chính phủ có quy định bắt buộc sử dụng tro, xỉ, thạch cao thu hồi từ nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón; buộc nhà máy phát thải phải chịu trách nhiệm tổ chức tiêu thụ chất thải phát sinh và tạo điều kiện cho đơn vị tái sử dụng nguồn phế thải này làm vật liệu. Giai đoạn 2017-2020, phân bổ lĩnh vực sản xuất xi măng tiêu thụ khoảng 22 triệu tấn tro, xỉ; lĩnh vực sản xuất gạch không nung tiêu thụ 7 triệu tấn; bê tông tiêu thụ 2 triệu tấn; san lấp tiêu thụ 24 triệu tấn… Cùng với việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, các doanh nghiệp phát thải đang hoạt động phải hoàn thành đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao trước năm 2019; dự án đang triển khai buộc phải lập bổ sung, phê duyệt trước khi nghiệm thu, hoạt động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.