Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trở ngại từ nhiều phía

Linh Nhi| 25/04/2013 06:22

(HNM) - Theo nhiều ý kiến đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cuối tháng 3 vừa qua, kết quả đạt được còn quá khiêm tốn so với vi phạm trên thực tế...

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến tại hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động cuối tháng 3 vừa qua, kết quả đạt được còn quá khiêm tốn so với vi phạm trên thực tế, cho thấy công tác thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này còn gian nan.

Thanh tra viên trong lĩnh vực công đoàn tại các doanh nghiệp còn thiếu và yếu. Ảnh: Đàm Duy


Một cán bộ "gánh" 2.580 doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, cán bộ thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước chỉ có gần 500 thanh tra viên, cán bộ thanh tra (bao gồm các lĩnh vực: lao động, người có công, chính sách xã hội...), trong đó tại Bộ chỉ có 54 người, số còn lại ở các tỉnh, thành phố. Trung bình mỗi tỉnh, thành phố có 6,8 thanh tra viên, cán bộ thanh tra. Do phải đảm đương nhiều lĩnh vực cùng một lúc nên quỹ thời gian thanh tra viên dành cho công tác thanh tra lao động chỉ chiếm 1/3. Tính bình quân trên cả nước, mỗi thanh tra viên lao động phải đảm nhận 2.580 DN, cho dù làm việc hết công suất mỗi năm cũng chỉ thanh tra được 60 DN. Như vậy, để thanh tra mỗi DN ít nhất một lần, thanh tra viên cần tới 43 năm.

Không chỉ thiếu về số lượng, mà chất lượng thanh tra viên, cán bộ thanh tra lĩnh vực lao động cũng đang là vấn đề nóng. Tại hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động của Chính phủ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với tổ chức Lao động Quốc tế ILO tổ chức, các chuyên gia khẳng định, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ thanh tra phải có nghiệp vụ. Trước hết, đòi hỏi thanh tra viên phải có nghiệp vụ trong lĩnh vực chính sách lao động (tiền lương, hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, BHXH...), tiếp đến phải hiểu biết về lĩnh vực an toàn lao động và vệ sinh lao động. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết lực lượng này chỉ được trang bị lượng kiến thức nhất định tại trường đại học, trong khi đó việc tập huấn kiến thức cơ bản và chuyên sâu còn quá ít do kinh phí hạn hẹp.

Nhiều hành vi cần được luật hóa

Một vấn đề nữa khiến nhiều cán bộ làm công tác quản lý lao động băn khoăn, đó là mục tiêu "một DN - một thanh tra" khó thực hiện được bởi lực lượng cán bộ thanh tra viên không chỉ vừa thiếu, vừa yếu mà còn quá tải khi phải đảm nhận tất cả các nhiệm vụ thanh tra theo chức năng quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Duy Vi, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phản ánh: "Dự thảo Nghị định của Chính phủ đã có một chương riêng quy định nhóm hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực công đoàn nhưng có những quy định chưa rõ ràng. Đơn cử, Điều 175 (dự thảo) quy định, "hành vi làm mất uy tín của tổ chức công đoàn hoặc của cán bộ công đoàn với đoàn viên và người lao động...". Câu này rất mập mờ, khó hiểu, nên cần làm rõ thế nào là "làm mất uy tín", nếu không sẽ không thực hiện được. Trên thực tế, hiện đã có quy định, công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại DN, cơ quan, tổ chức; có quyền yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương tạo điều kiện hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở nhưng Luật Công đoàn không quy định việc giao cho thanh tra lao động tiến hành xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực công đoàn. Trong khi đó, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động hiện cũng chưa xác định rõ quyền của tổ chức công đoàn trong việc tham gia xử lý vi phạm, gây bất cập trong quá trình thực hiện.

Ông Vũ Ngọc Hà, đại diện Trung tâm Tư vấn pháp luật, Công đoàn tỉnh Đồng Nai, chia sẻ, tỉnh này có 2.200 DN, trong đó 900 DN có vốn đầu tư nước ngoài, với khoảng 700.000 lao động. Do quy định hiện hành xử phạt hành chính về lao động, công đoàn chưa liệt kê được hết hành vi vi phạm của người sử dụng lao động và mức phạt thấp, chưa đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm quy định về lao động và công đoàn diễn ra phổ biến. Luật quy định mức phạt hành vi vi phạm pháp luật lao động chỉ có 75.000 đồng, quá ít nên DN xem nhẹ.

Để tăng tính nghiêm minh của pháp luật trong lĩnh vực lao động, công đoàn, các cán bộ, lãnh đạo quản lý, thanh tra trong lĩnh vực lao động, công đoàn đề nghị các ngành chức năng cần rà soát, nghiên cứu bổ sung, luật hóa một số hành vi vi phạm, mức độ xử lý, các chế tài xử phạt. Cụ thể là các hành vi: Người sử dụng lao động can thiệp vào công tác thu, chi tài chính của ban chấp hành công đoàn cơ sở; người sử dụng lao động không cung cấp kết quả sản xuất - kinh doanh, tình hình sử dụng lao động, hợp đồng lao động, mức đóng và số người đóng BHXH cho công đoàn; người sử dụng lao động không mời công đoàn tham gia khi quyết định các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích tập thể người lao động; không gia hạn hợp đồng đối với cán bộ công đoàn khi hết hợp đồng nhưng chưa hết nhiệm kỳ. Một giải pháp quan trọng nữa là các ngành các cấp cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, số lượng thanh tra viên, cán bộ thanh tra trong lĩnh vực lao động nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trở ngại từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.