(HNM) - Đề án
Một giờ học ngoại ngữ của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Linh Tâm |
Học sinh chuyên cũng "ngồi nhầm lớp"
Tính đến hết tháng 12-2009, cả nước có 76 trường, khối THPT chuyên với tổng số HS gần 50.000, tăng 2.445 HS so với năm 2007. Tuy nhiên, có một thực tế mà ít ai đề cập tới là HS chuyên cũng "ngồi nhầm lớp". Về việc tuyển sinh vào lớp chuyên, một giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Có một số dạng bài rất khó, song có HS dù năng lực bình thường vẫn giải quyết được do đã ôn luyện nhiều. Thực tế, có không ít lớp luyện toán mà ở đó thay vì phát triển tư duy toán học, người ta chú trọng vào việc đào tạo các thợ giải toán, để HS nhớ và nhận ra các dạng toán, rồi tùy theo từng dạng mà áp dụng những cách giải có sẵn. Theo Bộ GD-ĐT, nội dung thi tuyển vào trường chuyên mới chủ yếu là kiểm tra tái hiện kiến thức, kỹ năng cơ bản, chưa có hình thức kiểm tra năng khiếu, tài năng. Điều này dẫn đến việc nhiều HS không có phẩm chất và năng lực trí tuệ cần thiết để phát triển thành tài năng nhưng vẫn được tuyển vào các lớp chuyên. Cho tới nay, chưa nơi nào có hình thức kiểm tra năng khiếu, tài năng thông qua các trắc nghiệm về chỉ số thông minh, chỉ số sáng tạo và năng lực đặc biệt theo các lĩnh vực của HS… Vì vậy, không hiếm HS không có năng khiếu thực sự mà chỉ cần cù, chăm học được tuyển vào lớp chuyên.
Cùng chung nhận định này, nhiều giáo viên trường chuyên cho biết: Không ít phụ huynh, HS tìm đến trường chuyên với mong muốn có được môi trường học tập thuận lợi hơn các trường THPT khác nhằm thi đỗ ĐH hoặc có cơ hội du học chứ không phải để phát triển năng khiếu. Vì thế, mỗi lớp chuyên hiện có khoảng 30-35 HS, song số HS có năng khiếu ít hơn nhiều. Ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), số HS khối chuyên vật lý vào học khoa vật lý của trường ĐH hằng năm chỉ chiếm khoảng 1/10 và không phải là những em học tốt nhất. Thực tế, chưa có sự liên kết giữa việc phát hiện, bồi dưỡng HS năng khiếu ở trường THPT chuyên với việc đào tạo tiếp tục ở ĐH. Nhiều HS chuyên theo học các ngành ở ĐH ít liên quan đến năng khiếu được bồi dưỡng ở cấp phổ thông dẫn đến kết quả học tập ở ĐH hạn chế, không phát huy được năng khiếu vốn có. Đây là một trong những yếu kém mà hệ thống trường chuyên THPT phải khắc phục.
Áp lực từ những tấm huy chương
Học sinh trường chuyên được đánh giá có nhiều đóng góp trong việc đem lại thành tích cho các đội tuyển dự thi quốc gia, quốc tế hằng năm với tỷ lệ 95% thành viên đội tuyển là HS trường chuyên. Song để có được thành tích ấy, nhiều trường hầu như chỉ tập trung vào việc luyện thi HS giỏi để tham dự các kỳ thi. Thực tế này khiến nhiều người nghi ngại, phải chăng trường chuyên là nơi luyện "gà nòi" chứ không phải đào tạo, phát triển nhân tài?
Trong hội nghị triển khai thực hiện đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên vừa diễn ra hồi đầu tháng 11, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã thừa nhận: Mặc dù mục tiêu của trường chuyên được xác định là "phát triển năng khiếu của HS về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện", song một số địa phương chỉ tập trung nguồn lực để phấn đấu đạt nhiều giải trong các kỳ thi HS giỏi. Vì thế, ở các trường này, "việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội còn rất hạn chế. Chất lượng học tập các môn ngoại ngữ, tin học ở nhiều trường chuyên chưa đạt yêu cầu".
Ba năm trước, tại hội nghị tổng kết 42 năm phát triển hệ thống trường chuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng đánh giá: Việc tập trung cho thi HS giỏi, thi vào ĐH mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục toàn diện cho HS ở các trường chuyên đã dẫn đến việc HS Việt Nam khi đi thi quốc tế dù đạt giải cao song vẫn rất yếu về tiếng Anh, sức khỏe không tốt, chưa thật tự tin nên khả năng hòa đồng, giao lưu với bạn bè quốc tế còn hạn chế…
Để khắc phục hạn chế này, đề án đặt mục tiêu phát triển toàn diện cho HS chuyên, song quan niệm dạy, học lệch, đào tạo theo kiểu chỉ nhằm mục đích để HS đoạt được nhiều huy chương quốc tế của nhiều trường chuyên sẽ là trở ngại chính cho việc thực hiện mục tiêu này. Hệ quả của sự khập khiễng trong đào tạo là trường chuyên đã cho ra lò không ít những HS lệch về kiến thức, thiếu về kỹ năng.
Thực tế ấy cho thấy, con đường để đạt mục tiêu phát triển toàn diện cho HS phổ thông của ngành giáo dục cần sự chung tay của các cấp quản lý với những quyết sách phù hợp, song điều quan trọng vẫn là ý thức tự điều chỉnh của mỗi nhà trường.
- Ba hoạt động chính của đề án: + Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học với kinh phí hơn 1 nghìn 660 tỷ đồng + Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý: 624 tỷ đồng + Phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục: 27,7 tỷ đồng - Lộ trình: + Giai đoạn 1 (2010-2015): Triển khai một số công việc để tạo cơ sở, nền tảng phát triển hệ thống trường THPT chuyên trong đó có việc thí điểm áp dụng một số chương trình dạy học tiên tiến của thế giới tại một số trường THPT chuyên trọng điểm; thí điểm áp dụng việc giảng dạy môn toán, lý, hóa, sinh, tin bằng tiếng Anh để tiến tới thực hiện dạy toán, tin bằng tiếng Anh vào năm 2015. + Giai đoạn 2 (2015-2020): Phát triển vững chắc hệ thống trường THPT chuyên, phấn đấu có ít nhất 50% số trường có chất lượng dạy học tương đương với các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.