(HNM) - Ngày 17-1-2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Với nghị quyết quan trọng này, Cần Thơ sẽ được tiếp thêm trợ lực để thực sự trở thành thủ phủ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chưa phát huy hết tiềm năng
Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương nằm cạnh sông Hậu, giữa Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2003, Quốc hội khóa XI thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11 thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Sau khi thành phố Cần Thơ được thành lập, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TƯ năm 2005 về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TƯ, giai đoạn 2006-2019, tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt mức bình quân 7,27%/năm, cao nhất trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hơn mức trung bình cả nước. Năm 2020 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát), với diện tích 1.439km2, dân số khoảng 1,3 triệu người, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người của Cần Thơ đạt 94,5 triệu đồng, đứng thứ 11 cả nước; tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,5%.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến khả năng phát triển của thành phố Cần Thơ, điển hình là việc chưa có đường bộ cao tốc nối với thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong vùng; Cảng Cần Thơ được đầu tư xây dựng quy mô lớn, nhưng luồng trên sông Hậu chỉ sâu 3m, trong khi để tàu lớn có thể đi lại cần độ sâu 6,5m. Cần Thơ cũng chưa trở thành đầu mối hậu cần nông nghiệp cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long…
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, cần phải đầu tư để Cần Thơ trở thành trung tâm của toàn vùng hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong đó có trung tâm nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ kỹ thuật... Còn theo GS.TS Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, để Cần Thơ trở thành “hạt nhân” thúc đẩy toàn vùng phát triển cần có sự trợ giúp đặc biệt từ Trung ương.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho rằng: “Nguồn lực đầu tư cho thành phố thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp chưa theo hướng hiện đại; chưa thực sự là trung tâm, là động lực, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Phát triển thành trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Giữa năm 2020, sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TƯ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TƯ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Nghị quyết số 59-NQ/TƯ, năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Ngày 11-1-2022, Quốc hội khóa XV tiếp tục thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2022, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, thực hiện trong 5 năm. Trong đó, đáng chú ý là việc sẽ thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.
Quốc hội cũng cho phép thành phố Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và được bổ sung ngân sách hằng năm để đầu tư phát triển; cho phép HĐND thành phố Cần Thơ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của thành phố…
Ông Trương Văn Luân, cán bộ hưu trí ở phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) nhận xét, Cần Thơ là địa phương đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long được Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách thí điểm phát triển. Điều này cho thấy sự ưu ái, kỳ vọng rất lớn của cả nước dành cho Cần Thơ. Chính quyền và nhân dân thành phố có nghĩa vụ phải thực hiện tốt nghị quyết này.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, việc thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo nguồn lực cho thành phố đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. “Thành phố phấn đấu giai đoạn 2020-2025 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,5-8%; giai đoạn 2025-2030 là 8-8,5%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 140 triệu đồng và trên 200 triệu đồng vào năm 2030... Từ đó, đưa Cần Thơ thực sự trở thành địa phương đóng vai trò trung tâm phát triển của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Trần Việt Trường nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.