(HNMO) - Ngày 28-3, Kênh truyền hình Kinh tế tài chính VITV tổ chức chương trình đối thoại với chủ đề: “Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó”.
Sự kiện cũng đánh dấu VITV tròn 14 năm hoạt động, thực hiện nhiệm vụ sứ giả thông tin, đóng góp tiếng nói vào các chính sách trên nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thuế, hải quan…
Đối thoại thu hút hơn 100 đại biểu đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam và một số doanh nghiệp.
Theo Ban tổ chức, mặc dù nền kinh tế đạt một số kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn đối diện nhiều bất lợi, thách thức đáng lo ngại, như chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu giảm sút. Đáng chú ý, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm rất mạnh, trong khi số rút lui khỏi thị trường tăng cao…
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn chia sẻ, doanh nghiệp đang gặp khó về vay vốn trong bối cảnh giá cả tăng, chi phí sản xuất tăng, mức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn hơn. Nhiều đơn vị khó xác định được đầu ra cho sản phẩm. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần đánh giá sát thực tế hơn để nhận diện tình hình, có phản ứng kịp thời.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương dự báo, khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Do đó, cần duy trì và tăng tốc cải thiện môi trường kinh doanh để tạo ra bước ngoặt thay đổi. Trong khó khăn, doanh nghiệp càng trông đợi vào sự kiên trì đồng hành, nhất là thực hiện hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả từ Nhà nước.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dư địa cho cải cách vẫn còn rất lớn để cơ quan chức năng khai thác, tranh thủ thời gian thực hiện vì doanh nghiệp. Tháo gỡ được những điểm nghẽn, vướng mắc cho doanh nghiệp sớm chính là tạo điều kiện cho phục hồi, tăng trưởng trở lại…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tập trung cải cách thể chế một cách toàn diện, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cơ quan chức năng cần rà soát liên tục, phát hiện vướng mắc của doanh nghiệp thay vì chờ doanh nghiệp phản ánh, đề xuất rồi mới họp, bàn cách tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần giải quyết tốt nhu cầu vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, hợp tác, liên kết trong sản xuất - kinh doanh kết hợp với triển khai chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ mới, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đó là những giải pháp căn cơ tạo tiền đề cho sản xuất xanh để từ đó tiết kiệm chi phí đầu vào và phát triển bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.