Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trở lại A Mú Sung

Ngọc Trâm| 27/12/2010 07:03

(HNM) - Cuối năm. Tạm xa những ồn ã của phố phường, tạm gác những công việc bận rộn trong một guồng quay không ngơi nghỉ của nghề nghiệp, Đoàn công tác của Báo Hànộimới do Phó Tổng Biên tập Kiều Ngọc Kim làm Trưởng đoàn đã trở lại Đồn Biên phòng 267 A Mú Sung (huyện Bát Xát, Lào Cai) - đơn vị kết nghĩa của báo...

Thắm đượm tình quân - dân

Với những người làm báo Đảng Thủ đô, địa danh A Mú Sung đã trở thành quen thuộc. Đã 3 năm nay, thực hiện chương trình kết nghĩa giữa hai đơn vị, năm nào cũng vậy, vào dịp tháng 6, cán bộ, phóng viên của báo lại đón cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đồn về thăm, còn cuối năm lại tất bật sắp xếp công việc, đóng gói quà, hàng để lên thăm các anh và bà con nơi địa đầu Tổ quốc.

Phó TBT Báo Hànộimới Kiều Ngọc Kim tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng A Mú Sung.

Năm nay, tiếp nối những hoạt động kết nghĩa, đoàn của báo lại theo giai điệu của bài hát "Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt..." về với A Mú Sung bạt ngàn lau tím và những vạt cúc quỳ vàng rực. Hơn 80km từ Lào Cai lên A Mú Sung, chúng tôi luôn gặp từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Khác hẳn với lời cảnh báo đường nhỏ, gập ghềnh, xóc nổ đom đóm mắt của đồng nghiệp ở những chuyến đi trước, xe chúng tôi bon nhanh trên những cung đường trải nhựa phẳng lì men theo sông Hồng, chỉ mất một đoạn ngắn đường xấu thuộc xã Trịnh Tường đang làm cầu. Chưa đầy 90 phút, chúng tôi đã có mặt tại Đồn Biên phòng 267 A Mú Sung. Không nhỏ bé và heo hút như cách gọi "A mờ sương" của những người lính cách đây 7-8 năm ở địa điểm cũ, Đồn Biên phòng A Mú Sung hôm nay bề thế với những dãy nhà kiên cố tựa lưng vào núi, hướng ra phía sông Hồng, được sắp xếp theo hình rẻ quạt rất hợp lý. Cả không gian rộng với rất nhiều cây xanh, những ô cỏ vàng, đỏ trồng xen kẽ đặc biệt ấn tượng khiến mấy nữ phóng viên từ Thủ đô cứ trầm trồ mãi.

Tay bắt mặt mừng trong ngày gặp lại, những câu chuyện "của những người anh em" như cách nói của Phó Tổng Biên tập Kiều Ngọc Kim cứ nở rộ mãi trong đêm giao lưu văn nghệ giữa các chiến sĩ với anh chị em làm báo và đồng bào địa phương. Xúng xính trong bộ váy đặc trưng của người Mông, chị Lò Thị Sinh, thôn Ma Cò, xã Nậm Chạc say sưa với những lời hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Giọng hát cao vút, mượt mà của chị khiến những tràng pháo tay nổi lên không dứt. Ôm một bó hoa to về chỗ ngồi, chị Sinh kể: "Mình biết ơn các chú Bộ đội Biên phòng ở đây lắm. Mấy tháng trước, đứa con gái của mình chẳng may bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc, may mà nhờ các cán bộ ở đồn giúp đỡ tìm kiếm, nay mình đã có được tin tức của con".

Với nhiều người dân ở 22 thôn của xã Nậm Chạc và A Mú Sung, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng luôn là chỗ dựa tin cậy. Người dân tộc vốn chất phác, bất kể việc to việc nhỏ họ đều lên cậy nhờ cán bộ. Từ việc hướng dẫn, giúp dân tăng gia sản xuất, trâu bò húc nhau chết, việc xích mích giữa bà con đến cả việc rất riêng "chồng em uống rượu bỏ đi chơi không về nhà"… bà con cũng lên đồn nhờ cán bộ giải quyết. Công việc bề bộn, từ tuần tra bảo vệ biên giới, nắm tình hình địa bàn, trinh sát, vận động quần chúng, quản lý hành chính (bám chốt, bám trạm), đến dạy học, giúp dân, tăng gia, hậu cần... nên anh em cứ căng sức ra mà làm. Nhưng họ đều vui vì những cố gắng của họ được ghi nhận, địa bàn bình yên, nhân dân tin tưởng và quý mến.

Địa đầu Lũng Pô

Trực tiếp dẫn đoàn Báo Hànộimới đến Lũng Pô - địa đầu Tổ quốc, Trung tá Phạm Ngọc Xướng, Đồn trưởng A Mú Sung bảo, với những người lính biên phòng ở đây thì đến Lào Cai mà chưa lên 267 A Mú Sung thì chưa gọi là biết Lào Cai. Lên đây rồi mà lại không đến Lũng Pô, "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", thì cũng không còn gì là ý nghĩa!

Lũng Pô nằm ngay ngã ba sông Hồng. Cột mốc bằng đá vững chắc với dòng chữ đỏ chói "Việt Nam 92(1)" sừng sững như lời khẳng định thiêng liêng: Mảnh đất này, khu vực này thuộc lãnh thổ Việt Nam. Xuôi chảy qua chập chùng núi đá ở tỉnh Lai Châu, suối Lũng Pô đổ về A Mú Sung với làn nước xanh thẫm. Rồi chính tại ngã ba nơi có cồn cát trắng, dòng nước của Lũng Pô hòa quyện với Hồng Hà nặng đỏ phù sa bắt đầu từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc nhập thành sông Hồng - con sông Mẹ huyền thoại chảy vào đất Việt. Và từ ngã ba ấy, sông Hồng đã chia đôi mình làm biên giới cho hai nước đến tận Hà Khẩu, Lào Cai.

Đứng ở nơi địa đầu Tổ quốc, cảm giác thật xốn xang khó tả. Dừng lại thật lâu bên cột mốc 92 (1), Phó Tổng Biên tập Kiều Ngọc Kim, CCB chống Mỹ đầy xúc động chia sẻ với Đồn trưởng Phạm Ngọc Xướng: "Dẫu thời bình hay thời chiến, những chiến sĩ của lực lượng vũ trang, nhất là các sĩ quan, chiến sĩ công tác ở biên giới luôn luôn phải cảnh giác và không được bất ngờ. Dù là người cầm bút hay cầm súng chúng ta cũng luôn phải chắc tay. Những người làm báo Thủ đô luôn biết ơn những đóng góp, hy sinh thầm lặng của các anh và nguyện cùng các anh làm tốt nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở lại A Mú Sung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.