(HNM) - Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa, ở thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội chăm sóc, dạy nghề cho 55 người có hoàn cảnh không may mắn, trong đó phần lớn là người khuyết tật (câm điếc, khoèo tay, thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc da cam, liệt chân, tay).
Là người khuyết tật nhưng do không thuộc diện chính sách người có công, hộ nghèo, cận nghèo nên những người khuyết tật ở trung tâm không có thẻ bảo hiểm y tế. Đây là sự thiệt thòi lớn vì "người khuyết tật hay ốm đau, thường xuyên phải đến bệnh viện khám và chữa trị tật bệnh, trong khi nguồn thu nhập của họ lại rất thấp. Nếu họ được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì tốt biết bao", bà Đoàn Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa nói.
Kết quả khảo sát tình hình thực hiện chính sách người khuyết tật do Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH tiến hành cho thấy, hiện chỉ những người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và người khuyết tật thuộc diện chính sách, người có công mới có thẻ bảo hiểm y tế, còn lại gần một nửa số người khuyết tật không thuộc diện ưu tiên nói trên không có thẻ bảo hiểm y tế nên họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe...
Cũng theo kết quả khảo sát, hầu hết các cơ sở y tế cấp xã thiếu người có chuyên môn, kinh nghiệm về khám, chữa bệnh cho người khuyết tật. Rất ít trạm y tế xã thực hiện việc lập hồ sơ quản lý đối tượng, theo dõi tình hình sức khỏe của người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật. Người khuyết tật, nhất là người khuyết tật vận động, người khiếm thị ở các vùng nông thôn vốn đi lại đã khó khăn, trong khi các cơ sở y tế xã lại thiếu quan tâm. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với họ.
Để chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, Bộ Y tế đã triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người khuyết tật. Đến năm 2010, chương trình trải rộng khắp 51 tỉnh, thành phố, tới 337 quận, huyện, 4.604 xã, phường trong cả nước. Thông qua chương trình, đã có 170.000 người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe, 23,2% người khuyết tật có nhu cầu được phục hồi chức năng... Tuy nhiên theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện mới chỉ có khoảng 10% số người khuyết tật được tham gia vào các chương trình phục hồi chức năng.
Hiện nay, khung chính sách ưu tiên trợ giúp chăm sóc y tế đối với người khuyết tật đã được hoàn thiện. Người khuyết tật rất hy vọng những chính sách này sẽ thực sự đi vào cuộc sống để họ được chăm sóc sức khỏe một cách đầy đủ, toàn diện, cải thiện chất lượng cuộc sống, tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020. Theo đó, trong giai đoạn 2012-2015, hằng năm 70% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 60.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.