Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn

Hà Hiền| 19/04/2022 07:20

(HNM) - Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do các cấp Hội Chữ thập đỏ phát động đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, góp phần trợ giúp kịp thời những hoàn cảnh khó khăn. Thời gian tới, các cấp hội sẽ chú trọng phát triển phong trào theo chiều sâu, phát huy hơn nữa hiệu quả, tác động tích cực.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trao tặng suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại xóm trọ khu vực Bệnh viện Nhi trung ương.

Theo Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được triển khai thông qua nhiều chương trình, hoạt động, mô hình ý nghĩa. Trong đó, nổi bật là mô hình “nhà chữ thập đỏ”, “ngân hàng bò”, chương trình “bữa ăn miễn phí”, “hiến máu tình nguyện”... Với các trường hợp gặp khó khăn về nhà ở sẽ được hỗ trợ kinh phí, ngày công để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà. Giai đoạn 2016-2021, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã huy động nguồn lực để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 2.870 ngôi nhà, với tổng trị giá hơn 94 tỷ đồng, mang đến niềm vui an cư cho những mảnh đời gặp khó khăn. Có thể kể đến trường hợp bà Nguyễn Thị Hấn, khu dân cư số 7, phường Tân Mai (quận Hoàng Mai). Bà Hấn bị lòa mắt, sống neo đơn trong ngôi nhà cấp 4 xuống cấp. Cuối năm 2021, bà được Hội Chữ thập đỏ quận Hoàng Mai hỗ trợ xây dựng nhà mới, với kinh phí hơn 30 triệu đồng. Cũng có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình bà Nguyễn Thị Bình, thôn Đỗ Xá, xã Yên Thường (huyện Gia Lâm) được hỗ trợ xây dựng nhà chữ thập đỏ năm 2021, với kinh phí hỗ trợ hơn 50 triệu đồng và một số đồ dùng sinh hoạt thiết yếu.

Đối với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, họ và người nhà thường xuyên được hỗ trợ những suất ăn miễn phí trong thời gian điều trị thông qua mô hình “bữa ăn miễn phí”. Mô hình này được triển khai ở hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên, cung cấp hàng vạn suất ăn miễn phí/năm cho bệnh nhân nghèo. Ông Phạm Văn Hồng, Trưởng xóm “chạy thận Ngọc Hồi”, xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Các thành viên trong xóm vẫn nhận được những suất ăn miễn phí từ cán bộ chữ thập đỏ. Mỗi lần nhận là một lần chúng tôi rưng rưng xúc động trước tấm lòng quan tâm, chia sẻ của cộng đồng”.

Đáng ghi nhận hơn, trong tình huống cấp bách, nhiều người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo được tiếp thêm sự sống từ nguồn máu do người dân ở Thủ đô hiến tặng. Thấy rõ những việc làm ý nghĩa, người dân tham gia hiến máu ngày càng tăng, hiện đã đạt 2,6% dân số. Bà Võ Lệ Hằng, tổ dân phố 12, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) cho hay: “Bản thân tôi đã hiến máu hơn 10 lần và vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Tôi sẽ cố gắng kết nối nhiều hơn những tấm lòng nhân ái với các trường hợp khó khăn, góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp”.

Từ cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, nhiều người gặp khó khăn còn được trao tặng bò sinh sản, trợ giúp đột xuất để vươn lên. Không ít học sinh có hoàn cảnh đặc biệt đón nhận xe đạp, kinh phí hỗ trợ học tập để có cơ hội đến trường như bạn bè...

Qua dẫn chứng nêu trên càng thấy rõ hơn hiệu quả của cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Tuy vậy, một số phong trào chưa phát triển theo chiều sâu. Chẳng hạn, toàn thành phố mới có gần 160 người đăng ký hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể sau khi chết não thông qua mạng lưới Hội Chữ thập đỏ trong giai đoạn 2016-2021, còn khoảng cách xa so với mục tiêu đề ra. Nguồn máu thu về từ phong trào hiến máu tình nguyện còn thiếu vào một số thời điểm quan trọng...

Để cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” tiếp tục lan tỏa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, các cấp hội chú trọng phát triển phong trào theo chiều sâu, vào từng nhà, đến từng người, tạo thành mạng lưới trợ giúp nhân đạo rộng khắp. Trước mắt, các cấp hội tổ chức tốt Tháng Nhân đạo năm 2022 (diễn ra từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-5). Trong thời gian này, các cấp hội huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ xây dựng ít nhất 32 công trình nhân đạo, mỗi công trình trị giá từ 50 triệu đồng trở lên; hỗ trợ ít nhất 7.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Từ nay đến năm 2026, Hà Nội đặt mục tiêu trợ giúp khoảng 80.000 địa chỉ nhân đạo, thu hút ít nhất 2,8% dân số của Thủ đô tham gia hiến máu tình nguyện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.