(HNM) - Năm 2013, thành phố đã trích ngân sách khoảng 1.300 tỷ đồng trợ giá cho hoạt động xe buýt. Tuy vậy, người dân vẫn phàn nàn về chất lượng phục vụ như: Lái xe bỏ tuyến, phụ xe phân biệt đối xử giữa hành khách có vé tháng với hành khách mua vé ngày; tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu hình thành xe
Năm 2013, TP Hồ Chí Minh chi khoảng 1.300 tỷ đồng trợ giá xe buýt nhưng hiệu quả không cao. |
Chồng chéo phân luồng
Theo thống kê, TP Hồ Chí Minh có 110 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Từ năm 2002 đến nay, thành phố đã thực hiện trợ giá xe buýt từ nguồn ngân sách. Đáng lưu ý, mức trợ giá tăng vọt lên con số cả nghìn tỷ đồng bắt đầu từ 2010 đến nay, năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2013, thành phố đã trợ giá khoảng 1.300 tỷ đồng cho hoạt động này. Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của cơ quan chức năng thành phố thì hoạt động của xe buýt không mấy hiệu quả. Rất ít người dân lựa chọn xe buýt để đi làm, bởi họ lo lắng xe chạy không đúng giờ, bỏ tuyến. Chỉ những người đi chơi, du lịch hoặc giải quyết công việc không quá khắt khe về thời gian và học sinh, sinh viên là hay sử dụng xe buýt. Nhiều người dân lo ngại trước hiệu quả thấp của loại hình dịch vụ này khi Nhà nước trợ giá 43% mà mới chỉ phục vụ được 11% nhu cầu đi lại của nhân dân. Nhất là tình trạng chồng chéo trong phân luồng, có điểm 3 đến 4 xe buýt cùng dừng, đỗ đón khách. Không đón được khách, xe chạy không, nên có tình trạng một số nhà xe đã xé vé khống để đạt doanh thu khoán, hưởng trợ giá.
Giải thích về trùng tuyến, chất lượng phục vụ xe buýt chưa hài lòng người dân, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện quỹ đất dành cho các bến bãi đầu, cuối của xe buýt hạn chế. Theo rà soát, có 24% tuyến đường cần tổ chức xe buýt nhưng diện tích mặt đường nhỏ hẹp, nên phải sử dụng xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ, không đồng nhất về kiểu dáng, xe cũ nội thất không bảo đảm, chưa thu hút người dân đi lại. Bên cạnh đó, thành phố có hơn 6.000 lái xe và phục vụ xe thuộc 3 công ty vận tải và 17 hợp tác xã đảm nhận, trong đó có 14 hợp tác xã nhỏ lẻ, thậm chí lái xe là chủ xe luôn nên xảy ra việc phân biệt hành khách, gây bức xúc trong nhân dân.
Giải pháp để phục vụ hiệu quả
Trước bức xúc của người dân về hoạt động xe buýt công cộng, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã làm việc với 15 quận để khảo sát các khoảng đất trống làm điểm dừng đầu, cuối và trạm trung chuyển của xe buýt. Theo Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang, quy định một tỉnh cần hơn 2.000ha để xây dựng điểm dừng đầu, cuối cho loại hình giao thông công cộng, nhưng ở TP Hồ Chí Minh - đô thị lớn mới có 76ha phục vụ giao thông và chỉ có 9,6ha phục vụ bến bãi, điểm đầu, cuối. Tới đây, UBND thành phố sẽ đầu tư 7 tuyến đường xe buýt nhanh, trước mắt năm 2014 sẽ triển khai thí điểm tuyến xe buýt nhanh tại đại lộ Võ Văn Kiệt; Bến Thành - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Ngã tư An Sương.
Ngoài ra, Sở GTVT thành phố cũng đang trình UBND thành phố đầu tư gần 2.000 xe buýt mới, thay thế những xe cũ đầu tư 10 năm qua. Đối với các xe mới đầu tư, TP Hồ Chí Minh sẽ ứng dụng công nghệ thông tin như máy định vị, có camera giám sát hành trình để truyền về trung tâm. Đây cũng là biện pháp vừa bảo đảm an ninh trên xe buýt, chống tội phạm, đồng thời cũng là kiểm tra giám sát đối với lái xe, phụ xe và điều hành xe. Đặc biệt, thành phố cũng đang tính đến việc tích hợp thanh toán bằng thẻ điện tử, thay cho việc xé vé như hiện nay, khắc phục tình trạng xé vé khống để nhận hỗ trợ giá. Để chất lượng phục vụ khách được tăng lên, hiện nay Sở GTVT đang tiến hành rà soát và sẽ có tập huấn cho đội ngũ lái và phục vụ xe; siết chặt quản lý, nếu tuyến xe nào trợ giá mà hoạt động không hiệu quả sẽ ngừng hoạt động để tránh lãng phí cho ngân sách nhà nước. Năm 2014, Sở GTVT sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố có chính sách quan tâm chăm lo đời sống lái xe buýt để họ tăng chất lượng phục vụ; đồng thời hỗ trợ công nhân khi đi xe buýt. Thành phố sẽ thiết lập đường dây nóng trên xe buýt để người dân phản ánh kịp thời những vấn đề có liên quan đến chất lượng phục vụ.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho biết, để từng bước giảm phần trợ giá cho xe buýt, UBND TP Hồ Chí Minh đang giao cho Sở GTVT và Sở VH-TT&DL thành phố nghiên cứu, đề xuất các phương án khai thác quảng cáo trên nhà chờ, bến bãi và xe buýt. Tuy nhiên, quan điểm của thành phố, hoạt động quảng cáo phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, bảo đảm mỹ quan đô thị của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.