Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh: Các nước ráo riết “nghênh tiếp”

Đình Hiệp| 06/04/2012 06:51

(HNM) - Càng gần đến thời điểm diễn ra vụ phóng tên lửa tầm xa Unha-3 đẩy vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo của CHDCND Triều Tiên từ ngày 12 đến 16-4, bán đảo Triều Tiên lại căng thẳng hơn bao giờ hết.

Cùng với việc tái khẳng định không thay đổi kế hoạch phóng vệ tinh, Triều Tiên thông báo sẽ tổ chức một cuộc diễu binh quy mô nhất từ trước tới nay vào ngày 15-4 - không như dự kiến ban đầu vào ngày 25-4 - để thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ của quân đội với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un. Việc Triều Tiên mời cơ quan vũ trụ của 8 nước, trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) tới quan sát vụ phóng vệ tinh được xem là nỗ lực lớn của Bình Nhưỡng để được quốc tế công nhận như một quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực phát triển vũ trụ. Chuẩn bị cho một loạt sự kiện diễn ra dịp này, Triều Tiên sẽ tổ chức Đại hội đảng vào ngày 11-4 tới nhằm hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un, với hai vị trí quan trọng là Tổng Bí thư đảng Lao động Triều Tiên và Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng quốc gia.

Hàn Quốc huy động tàu khu trục “King Sejong” nhằm đối phó với vụ phóng tên lửa đẩy vệ tinh của Triều Tiên.


Tuy nhiên, kế hoạch mời các quan sát viên quốc tế tới Bình Nhưỡng xem ra khó trở thành hiện thực bởi nhiều nước được mời đã từ chối khi cho rằng sự hiện diện của họ có thể bị nhìn nhận như một tín hiệu ủng hộ vụ phóng tên lửa trên của Triều Tiên. Trong một phản đối rõ ràng về kế hoạch này, đại sứ các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) ở Bắc Kinh và Seoul cũng như các đại diện phụ trách quan hệ với Triều Tiên đã quyết định hủy chuyến đi tới Triều Tiên vào dịp này khi được mời tham dự các sự kiện nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Giữa lúc Triều Tiên hối hả hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho vụ phóng vệ tinh, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản lại có những bước đi cứng rắn khi quyết định điều động tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo đến vùng lãnh hải quanh bán đảo Triều Tiên để "nghênh tiếp" tên lửa sắp phóng của Bình Nhưỡng. Trong một động thái nhằm cụ thể hóa tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Naoki Tanaka, Nhật Bản vừa hoàn tất triển khai các tên lửa đánh chặn PAC-3 tại tỉnh Okinawa để sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó đe dọa đến lãnh thổ nước này. Ngay sau khi tàu vận tải biển Kunisaki của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản chở các tên lửa đánh chặn PAC-3 đến đảo Ishigaki, các tên lửa PAC-3 cũng được triển khai tại bốn địa điểm khác ở Okinawa gồm thủ phủ Naha, Miyako, Nanjo và Ishigaki. Không dừng lại ở đó, Nhật Bản cũng sẽ triển khai tên lửa PAC-3 tại các khu vực huấn luyện của Lực lượng phòng vệ ở Tokyo là Ichigaya, Narashino và Asaka.

Cùng với tuyên bố ngừng kế hoạch gửi viện trợ lương thực cho Triều Tiên, Mỹ cũng thể hiện lập trường cứng rắn khi quyết định sẽ điều động từ 5-6 tàu khu trục từ Hạm đội 7 di chuyển đến Hoàng Hải, căn cứ Okinawa (Nhật Bản) và vùng biển gần Philippines nhằm đáp lại kế hoạch phóng tên lửa đẩy vệ tinh của Triều Tiên. Theo đó, các tàu khu trục của quân đội Mỹ, được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3, sẽ bắn hạ tên lửa đối phương khi bay chệch quỹ đạo và hướng tới các mục tiêu trên đất liền.

Nếu Hàn Quốc huy động tàu khu trục "King Sejong" của lực lượng hải quân vốn được sử dụng vào mục đích tương tự năm 2009 khi Triều Tiên bắn thử tên lửa Taepodong-2, Philippines lại có những bước chuẩn bị riêng. Không chỉ nhờ Mỹ "bám sát" đường đi của tên lửa, Philippines thông báo sẽ đóng cửa đường bay từ Nhật Bản và Hàn Quốc tới Manila từ ngày 12 đến 16-4 trước lo ngại tầng thứ hai của tên lửa có thể rơi ngoài khơi quốc đảo Đông Nam Á này.

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng sẽ diễn ra. Một loạt động thái chuẩn bị của các bên liên quan trước "giờ G" đang khiến bán đảo Triều Tiên nóng lên từng giờ. Thêm vào đó, tiết lộ mới nhất của báo giới Hàn Quốc về khả năng Triều Tiên có thể tiến hành vụ thử hạt nhân thứ ba nếu Mỹ không viện trợ lương thực như cam kết đã dấy lên quan ngại mới về nền hòa bình vốn đang bấp bênh trên bán đảo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triều Tiên chuẩn bị phóng vệ tinh: Các nước ráo riết “nghênh tiếp”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.