Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Triều cường" trên đất nước hình Lục lăng

Quỳnh Dương| 09/12/2015 03:58

(HNM) - Đúng với dự đoán, đảng Mặt trận Quốc gia (FN) theo đường lối cực hữu đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương tại Pháp tổ chức ngày 6-12. Sự kiện FN vươn lên thành một chính đảng có ảnh hưởng lớn trên chính trường được ví như một cú sốc tại đất nước hình Lục lăng.


Theo kết quả sơ bộ do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 8-12, FN đã giành được hơn 30% số phiếu ủng hộ của cử tri Pháp, tiếp đến là đảng Những người Cộng hòa (LR) do cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy làm Chủ tịch với 26,2% số phiếu. Đảng Xã hội (PS) cầm quyền chỉ ở vị trí thứ ba với 23,2% số phiếu.

Chủ tịch đảng FN Marine Le Pen đang giành được lợi thế lớn trên chính trường Pháp.



Căn cứ vào kết quả kiểm phiếu từng vùng và theo danh sách ứng cử của các đảng, FN về nhất tại 6/13 khu vực. Đây đúng là một chiến thắng lịch sử của đảng này và dù được dự báo trước nhưng kết quả vẫn làm chấn động nước Pháp. Đáng chú ý, tại vùng Nord-Pas de Calais-Picardie, Đông bắc Pháp, bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng FN, giành 40,3% số phiếu, trong khi các đối thủ là đại diện LR và PS chỉ nhận được số phiếu tương ứng là 24,5% và 18%. Tại vùng Provence Alpes-Côte d'Azur, miền Đông nam Pháp, người cháu gái của bà là ứng cử viên Marion Maréchal-Le Pen cũng nhận được tới 44,22% số phiếu, bỏ xa hai đối thủ LR và PS với số phiếu tương ứng là 28% và 16%.

Thất bại "ê chề" của cánh tả cũng như trung hữu Pháp có nguyên nhân từ việc Châu Âu đang lâm vào khủng hoảng nhập cư với hàng trăm nghìn người từ Trung Đông, đặc biệt là từ Syria. Chỉ riêng tại Đức, số người di cư tiếp nhận từ đầu năm đến nay đã lên đến gần một triệu. Tại Pháp, nhiều thị trưởng và người dân phản đối chính quyền áp đặt việc tiếp nhận người tị nạn. Đảng cực hữu FN theo đuổi đường lối hạn chế người nhập cư đã biết khai thác mối lo của cử tri trước cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Cựu lục địa.

Thêm nữa, những vụ tấn công khủng bố tại Paris ngày 13-11 khiến dân Pháp càng thêm lo âu. Hình ảnh các nạn nhân, sự tàn bạo của những kẻ khủng bố khiến cả nước Pháp sững sờ. Tuy chính quyền lần đầu tiên đã ra tay đóng cửa vài đền thờ Hồi giáo cực đoan chuyên rao giảng hận thù, song nhiều người vẫn cho rằng, những biện pháp của Chính phủ đương nhiệm chưa đủ tin cậy. Phần lớn người dân Pháp ủng hộ chính sách cứng rắn của FN; đồng thời tin rằng chủ trương chống nhập cư là biện pháp hữu hiệu để chống khủng bố. Mặt khác, đa số cử tri Pháp thất vọng về thành quả khiêm tốn của đảng cầm quyền kể từ khi lãnh đạo đất nước (3 năm qua). Nhất là vào lúc mà nạn thất nghiệp vẫn rất nặng nề với gần 3,6 triệu người không có việc làm, nền kinh tế cũng chưa có những bước chuyển tích cực. Trong khi đó, đảng đối lập LR cũng không tạo được sự tin tưởng với cử tri khi các vụ điều tra liên quan tới tham nhũng của lãnh đạo đảng này - cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn chưa hết dư âm.

Lo ngại quan điểm kỳ thị chủng tộc và chia rẽ cử tri của FN sẽ dẫn đến sự thay đổi hàng loạt chính sách đi ngược với phương châm "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" vốn được nước Pháp đề cao, sau khi có kết quả sơ bộ, ngay lập tức, rất nhiều chính khách Pháp, đặc biệt là những ứng viên thua cuộc đã kêu gọi hợp nhất nhiều đảng, gồm cả cánh tả và cánh hữu để đối phó với "cơn hồng thủy FN". Bộ trưởng Ngoại giao Séc Lubomír Zaorálek bày tỏ lo ngại trước thắng lợi cách biệt của FN. Phát biểu sau khi kết quả sơ bộ bầu cử địa phương Pháp được công bố, ông L.Zaorálek nhấn mạnh: "Tôi coi đây không chỉ là sự cảnh báo với toàn bộ Châu Âu mà còn là sự thách thức buộc chúng ta phải tiếp cận vấn đề này một cách có trách nhiệm. Đây là hệ quả của sự chậm trễ trong việc hoàn chỉnh các bước có tính nguyên tắc để bảo đảm cho Châu Âu có khả năng xoay xở với làn sóng nhập cư, khiến cử tri rơi vào vòng tay của các đảng cực hữu".

Hiện tại, các đảng phái chỉ còn rất ít thời gian để bước vào cuộc bầu cử địa phương vòng 2 (sẽ diễn ra ngày 13-12). Đây là cuộc bỏ phiếu cuối cùng trước khi nước Pháp bầu lại tổng thống vào năm 2017. Như vậy, có thể nói ứng cử viên FN Marine Le Pen đang sở hữu một bệ phóng đáng gờm để tranh ghế nguyên thủ quốc gia Pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Triều cường" trên đất nước hình Lục lăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.