(HNMO)- Đến nay Viettel đã đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông tại 9 quốc gia với tổng dân số 175 triệu dân, gần gấp đôi dân số Việt Nam. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài năm 2014 của Viettel đạt 1,2 tỷ USD, trong đó lợi nhuận là 156 triệu USD; thị trường nước ngoài đã mang về 278 triệu USD lợi nhuận cho đất nước…
Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, ông Tào Đức Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư quốc tế Viettel đã có những chia sẻ với Báo Hà nội mới về công việc kinh doanh của Viettel tại nước ngoài.
- Hiện Viettel đã đầu tư tại 9 thị trường, vậy trong số này thị trường nào mà Viettel gặp thuận lợi hơn và ngược lại? Thị trường nào có kết quả kinh doanh tốt nhất?
- Đi đầu tư kinh doanh ở nước ngoài chắc chắn thách thức luôn nhiều hơn thuận lợi! Ví dụ, một thị trường nhỏ như Đông Timor có thể nhiều người nghĩ sẽ có nhiều thuận lợi, nhưng thực tế có rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như xây dựng hạ tầng mạng lưới rất khó do địa hình đồi núi hiểm trở. Các thị trường lớn như Mozambique hoặc Cameroon lại khó khăn trong việc xây dựng và vận hành mạng lưới vì địa hình quá rộng lớn. Đó là còn chưa kể đến ở hầu hết các thị trường, Viettel phải cạnh tranh mạnh mẽ với các đối thủ lớn trong “làng” viễn thông thế giới như Movistar và Claro ở châu Mỹ hay Vodafone ở châu Phi…
Tuy nhiên, chúng tôi lại có được những thuận lợi từ sự ủng hộ của chính phủ và người dân các nước Viettel đầu tư. Điều đó là do triết lý kinh doanh khác biệt của Viettel. Thay vì chỉ đầu tư ngắn hạn và tập trung ở thành phố với giá cước cao, thu lợi nhuận mới đầu tư tiếp như các hãng viễn thông quốc tế khác, Viettel đầu tư dài hạn, đầu tư trước rồi mới kinh doanh, đầu tư rộng khắp lãnh thổ, cả ở vùng sâu, vùng xa, giá thấp hơn, phổ cập dịch vụ cho mọi người dân. Tại các đất nước mà chúng tôi đầu tư đến, hạ tầng mạng lưới của Viettel luôn dẫn đầu về quy mô, chất lượng và góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo ngành viễn thông ở đấy. Chính vì những điều này mà chúng tôi nhận được sự tin yêu và đánh giá cao của người dân và chính phủ nước sở tại.
Hiện tại, 7/9 thị trường nước ngoài của chúng tôi đã đi vào kinh doanh cung cấp dịch vụ. Trong đó, có 5 thị trường đã mang lại lợi nhuận. Hai thị trường mới cung cấp dịch vụ là Cameroon và Peru cũng dự kiến sẽ có lãi về trong năm nay. Đặc biệt, tại các nước đã kinh doanh ổn định, Viettel đều dẫn đầu thị trường về cả doanh thu và thị phần.
- Ở mỗi một đất nước mà Viettel kinh doanh có nền văn hoá khác nhau, dẫn đến con người, lối sống... có sự khác nhau. Trong khi đó Viettel lại là DN quân đội "quân lệnh như sơn" vậy Viettel phải thích nghi như thế nào? Yếu tố văn hoá bản địa được Viettel gắn với việc kinh doanh tại nước sở tại?
- Mỗi nước Viettel đặt chân đến có những nền văn hóa khác nhau. Người Việt thì nhanh nhẹn, linh hoạt, hầu hết là không theo đạo giáo, làm việc theo tác phong quân đội “quân lệnh như sơn”, người bản địa hoàn toàn khác, tỷ lệ theo đạo cao. Ví dụ người Lào theo Phật giáo, thích nhẹ nhàng; người Cameroon và Tanzania theo Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Chúng tôi luôn dựa vào những đặc điểm văn hóa và con người của từng nước để có những cách ứng xử quan hệ cũng như đưa ra chính sách, sản phẩm kinh doanh phù hợp. Nhưng dù có ở những nền văn hóa và những con người khác nhau như thế nào, triết lý kinh doanh của Viettel luôn dựa trên sự chân thành và niềm tin vào con người.
Tại mỗi nước đầu tư, chúng tôi sẽ triển khai chiến lược đầu tư để trở thành nhà cung cấp lớn nhất cả về hạ tầng mạng lưới và thuê bao, doanh thu trước khi thị trường bão hoà. Quan điểm của chúng tôi là bất kỳ khách hàng nào, từ thành thị đến nông thôn, đều được hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất, băng thông rộng nhất. Viettel đầu tư không chỉ để mang lại lợi nhuận cho công ty mà con góp phần vào sự phát triển của đất nước nơi Viettel đến, mang lại những điều tốt đẹp cho người dân, cho chính mỗi nhân viên Viettel và gia đình họ. Điều này đã tạo động lực cho mỗi nhân viên Viettel trên khắp các nước thêm gắn bó và yêu quý công ty. Để bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi công ty, chúng tôi chấp nhận hy sinh thương hiệu Viettel và xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới với tinh thần thương hiệu này là của nhân dân nước sở tại.
Với quan điểm mạng lưới tại mỗi thị trường chúng tôi đầu tư là của người dân bản địa, chúng tôi luôn đề cao hàng đầu việc đào tạo và chuyển giao công nghệ, cách làm cho nhân viên sở tại để họ có thể điều hành và phát triển công ty bền vững sau khi kết thúc giai đoạn xây dựng ban đầu. Hiện tại, hơn 70% vị trí giám đốc trung tâm kinh doanh của các công ty của Viettel tại thị trường nước ngoài do người sở tại đảm nhiệm. Người Viettel mang các quốc tịch khác nhau đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành và phát triển các công ty của Viettel ở nước ngoài.
- Kinh nghiệm từ việc cạnh tranh quyết liệt trong nước, từ làm hạ tầng, từ truyền thông... có được Viettel áp dụng khi ra nước ngoài như thế nào?
- Tất nhiên, kinh nghiệm từ việc cạnh tranh và điều hành kinh doanh trong nước là một trong những hành trang để chúng tôi đi “chinh chiến” ở thị trường nước ngoài. Trong thời gian đầu, cũng như ở Việt Nam, chúng tôi tập trung xây dựng hạ tầng nhanh, phủ sóng rộng khắp cả nước, giành vị thế dẫn đầu về chất lượng và quy mô mạng lưới làm nền tảng để cạnh tranh kinh doanh. Đồng thời, toàn bộ việc xây dựng, lắp đặt và vận hành đều do người Viettel tự làm nên chúng tôi hoàn toàn làm chủ mạng lưới. Chính sự chủ động, tính linh hoạt kết hợp với tinh thần làm việc quyết liệt giúp Viettel có thể thay đổi và thích ứng rất nhanh để đáp ứng lại nhu cầu của thị trường.
Đến giai đoạn kinh doanh, chúng tôi cũng mang một số gói cước và chính sách sản phẩm của Viettel tại Việt Nam sang vận dụng một cách linh hoạt và có sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của từng thị trường như tôi đã nói ở trên. Đặc biệt, các kinh nghiệm về quản lý và vận hành kinh doanh trong nước là một trong những yếu tố giúp chúng tôi tự tin điều hành các thị trường nước ngoài.
- Được biết, kinh doanh viễn thông phải mất tới 5 năm mới thu hồi vốn. Viettel xử lý bài toán về hiệu quả đầu tư như thế nào?
- Trước khi đầu tư vào một thị trường, chúng tôi có những tiêu chí và cách thức tính toán, đánh giá cơ hội và hiệu quả đầu tư rồi mới đưa ra quyết định. Trong suốt quá trình đầu tư kinh doanh, chúng tôi đặt ra những guideline và chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư. Chúng tôi đặt mục tiêu thu hồi vốn sau 5 – 6 năm, tùy thuộc vào mỗi thị trường mà thời gian có thể dài ngắn khác nhau, nhưng tối đa không quá 8 năm. Ví dụ, với thị trường Lào và Campuchia chúng tôi thu hồi vốn sau hơn 4 năm. Nhưng với thị trường Timor, chỉ chưa đầy 1 năm chúng tôi đã kinh doanh có lãi và dự kiến thu hồi vốn sau 3 năm kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.