(HNM) - Những năm gần đây, tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là tại các công trình xây dựng nhỏ lẻ, nhà dân. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân nhấn mạnh, để giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, cần khắc phục triệt để “bệnh” chủ quan, lơ là.
- Trước tiên, ông có thể cho biết rõ hơn về tình trạng tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng xảy ra thời gian gần đây?
- Thời gian qua, các cơ quan chức năng và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, góp phần cải thiện điều kiện lao động, môi trường làm việc. Tuy nhiên, tình trạng tai nạn lao động vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2019, toàn thành phố xảy ra 452 vụ (bằng 65% số vụ so với cả giai đoạn 2016-2018), làm 464 người bị nạn. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội tiếp tục xảy ra một số vụ tai nạn lao động đau lòng ở lĩnh vực xây dựng. Điển hình là sự cố mất an toàn lao động tại công trình số 16 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) làm 4 người tử vong.
Đáng lo là, hơn 40% số vụ tai nạn lao động trên địa bàn Hà Nội xảy ra ở lĩnh vực xây dựng, thường là tại các công trình nhỏ, lẻ, nhà dân do ngã từ trên cao, sập giàn giáo… Đa số nạn nhân của các vụ tai nạn này là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời vụ dưới 3 tháng với chủ sử dụng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nên khi gặp tai nạn, họ không được bảo vệ bởi các chính sách an sinh xã hội, dẫn đến thiệt thòi về nhiều mặt.
- Theo ông, nguyên nhân nào khiến tình trạng tai nạn lao động xảy ra ở lĩnh vực xây dựng, tại công trình nhỏ lẻ, nhà dân có xu hướng tăng?
- Không khó để nhận thấy, số lượng dự án, công trình xây dựng ở Hà Nội tăng nhanh trong những năm gần đây, dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động tăng theo. Hơn nữa, sau thời kỳ giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều chủ công trình đẩy nhanh tiến độ thi công, lơ là triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn lao động nên nguy cơ tai nạn càng tăng.
Về phía người sử dụng lao động, đa số các đơn vị, doanh nghiệp, chủ dự án, chủ sở hữu các công trình đã quan tâm kiểm soát những yếu tố có nguy cơ mất an toàn lao động tại nơi làm việc; trang bị phương tiện, bảo hộ lao động cho người lao động... Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số đơn vị vẫn coi nhẹ vấn đề bảo đảm an toàn lao động. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, trung bình mỗi năm, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục công trình xây dựng vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng…
Đối với người lao động, một số người còn chủ quan, lơ là trước những nguy cơ thiếu an toàn tại các công trình, nhất là ở những công trình nhỏ lẻ, nhà dân. Việc theo dõi, kiểm tra bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà dân thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp cơ sở, song công tác này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức…
- Để giảm thiểu số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra ở các công trình xây dựng nhỏ lẻ, nhà dân, các bên liên quan cần làm gì, thưa ông?
- Trước hết, người sử dụng lao động và người lao động tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Người sử dụng lao động cần trang bị đầy đủ phương tiện, máy móc, thiết bị bảo đảm an toàn trong suốt quá trình thi công; hướng dẫn người lao động thi công đúng quy định. Về phía người lao động, cần chủ động đề nghị chủ công trình bảo đảm các điều kiện an toàn, nếu thấy phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, người lao động cần từ chối làm việc.
Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại 20 công trình xây dựng, qua đó phát hiện, nhắc nhở, xử phạt vi phạm một số đơn vị. Để kịp thời ngăn ngừa những vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Sở cũng sẽ tham mưu UBND thành phố Hà Nội xem xét ban hành văn bản yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường quản lý về an toàn lao động, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở đối với việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng nhỏ lẻ, nhà dân. Riêng đối với vụ việc mất an toàn lao động tại công trình số 16 Nguyễn Công Trứ, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng yêu cầu điều tra, làm rõ vụ việc.
Thành phố cũng giao các cơ quan, đơn vị khẩn trương phối hợp rà soát, kiểm tra các công trình xây dựng trên địa bàn, đặc biệt lưu ý việc bảo đảm an toàn trong thi công xây dựng, xử lý nghiêm chủ thể vi phạm, cương quyết yêu cầu dừng thi công hoặc dừng sử dụng máy móc, thiết bị khi phát hiện có nguy cơ thiếu an toàn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.