(HNM) - Cách trung tâm Hà Nội 42km, hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế, vùng đất cổ
Tăng trưởng bền vững
Không gian quy hoạch đô thị vệ tinh Sơn Tây.
Ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây phấn khởi cho biết, tự hào là trung tâm văn hóa xứ Đoài, mảnh đất giàu truyền thống anh hùng, 57 năm qua, đặc biệt giai đoạn 2006-2011, cán bộ và nhân dân thị xã đã đoàn kết, năng động, tạo bước đột phá trên lĩnh vực kinh tế. Tổng giá trị tăng thêm bình quân 16,5%/năm, thu nhập bình quân hơn 21 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển theo hướng tích cực, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm đến 90%; nông - lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 10%. Một mặt tạo điều kiện cho 1.020 doanh nghiệp và hộ sản xuất CN-TTCN hoạt động, mặt khác Sơn Tây chú trọng phát triển ngành dịch vụ thương mại, ngân hàng, vận tải, viễn thông, bảo hiểm cùng 7 siêu thị và hệ thống chợ tại 13 xã, phường... Chỉ riêng năm 2010, ngành dịch vụ mang lại nguồn thu gần 600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sơn Tây coi trọng phát triển mạnh du lịch, thu hút trên 1,4 triệu lượt khách mỗi năm.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Quang Sơn thừa nhận, sự phát triển của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được các nhà đầu tư, chất lượng nguồn lao động chưa cao… Tới đây, khi quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội được triển khai, Sơn Tây sẽ trở thành một trong những đô thị vệ tinh của thành phố. Điều đó đồng nghĩa, trong tương lai gần, tốc độ đô thị hóa ở quê hương của "hai vua" sẽ diễn ra nhanh chóng và toàn diện, tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Đây là cơ hội lớn mà Sơn Tây phải tận dụng để thu hút đầu tư, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển bền vững.
Năm năm tới, thị xã sẽ tập trung phát triển một số cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển CN-TTCN. Tiếp đó là ưu tiên sản xuất các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ như mây, tre, giang đan, thêu ren, các sản phẩm phục vụ khách du lịch và xuất khẩu; phấn đấu trên 80% làng, tổ dân phố, cụm dân cư trên địa bàn có nghề và xây dựng từ 1-2 làng nghề đủ tiêu chí. Thương mại và các ngành dịch vụ tiếp tục được khuyến khích, trong đó thị xã chú trọng tạo khâu đột phá về đầu tư phát triển ngành tài chính - ngân hàng, bảo hiểm. Đi đôi với đó là khai thác giá trị quần thể các di tích lịch sử, văn hóa, làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Văn Miếu; phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao như chăm sóc người cao tuổi, đào tạo, dạy nghề… nhằm tăng giá trị tăng thêm trong lĩnh vực này từ 18-20%/năm, thu hút trên 2 triệu lượt khách mỗi năm.
Xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại
Với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa khu vực phía Tây Bắc của Thủ đô, 5 năm qua Sơn Tây đã dành 3.858 tỷ đồng xây dựng 1.157 dự án giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… cải thiện cơ sở hạ tầng. Để trở thành đô thị loại hai văn minh, hiện đại và là đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, trong giai đoạn 2011-2015, Sơn Tây sẽ phải huy động các nguồn lực để hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội. Những công việc trước mắt là đẩy nhanh tiến độ cải tạo và phát triển giá trị dòng sông Tích, sông Hang, hệ thống giao thông liên kết vùng, hoàn thành xây dựng cầu Vĩnh Thịnh qua sông Hồng, hoàn thiện các khu đô thị, khu nhà ở Phú Thịnh, Sơn Lộc, Thuần Nghệ, tiểu khu nhà ở Đồi Dền, xây dựng khu đô thị Mai Trai - Nghĩa Phủ… tạo nên diện mạo mới cho đô thị xứ Đoài.
Trong năm 2011, thị xã phấn đấu hoàn thành quy hoạch (điều chỉnh) chung xây dựng và phát triển của địa phương; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trên cơ sở đó, Sơn Tây sẽ huy động các nguồn lực triển khai quy hoạch chi tiết các đồ án phát triển đô thị đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt như, khu đô thị Nhà vườn Cổ Đông, khu đô thị mới Trung Hưng, Viên Sơn, Trung Sơn Trầm. Song song với đó là hoàn thành quy hoạch cụm cảng, quy hoạch các xã, phát triển hệ thống giao thông… Phát huy thành tựu 57 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là truyền thống anh hùng của vùng đất địa linh nhân kiệt, Đảng bộ và nhân dân thị xã Sơn Tây sẽ khai thác hiệu quả các nguồn lực xây dựng, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng cơ sở, đưa Sơn Tây trở thành đô thị loại hai, đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội trong tương lai không xa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.