Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển lãm tranh trên giấy báo – sống lại những trang báo cũ

Tuyết Minh| 08/03/2016 17:13

(HNMO)- Sáng nay, đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, tại trụ sở Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống (Hà Nội) đã khai mạc cuộc triển lãm đặc biệt có tên gọi “Nhân Dân – tranh trên báo cũ”.

Tác phẩm của họa sĩ Thành Chương


Thay vì tự chọn, giấy vẽ - những trang báo Nhân Dân thuộc tất cả ấn phẩm, báo ngày, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng, Thời Nay, được đội ngũ biên tập viên ban Nhân Dân hằng tháng - bộ phận lãnh trách nhiệm chuẩn bị mọi công đoạn triển lãm - tìm, lựa chọn và gửi tới các họa sĩ.

Triển lãm đã được sự quan tâm, nhận lời tham gia của 21 họa sĩ tên tuổi, những người đã và đang làm nên diện mạo của đời sống mỹ thuật Việt Nam đương đại: Họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Thành Chương, Đỗ Hoàng Tường, Hoàng Phượng Vỹ, Đinh Quân, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Lê Thiết Cương, Đặng Tiến, Lý Trực Dũng, Phạm An Hải, Vi Kiến Thành... Những gương mặt nữ như Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Thị Phương Liên, Nguyễn Thị Hồng Phương hay những cá tính trẻ hơn, thanh xuân hơn: Doãn Hoàng Lâm, Phạm Hà Hải, Trương Tiến Trà, Phạm Trần Quân.

Tranh "Con trâu" của Thành Chương


Từ triển lãm minh họa trên Nhân Dân hằng tháng đầu xuân 2015, đến triển lãm “Nhân Dân - tranh trên báo cũ” (2016) là bước tiến dài cả của sự đầu tư công sức, thời gian lẫn giá trị nghệ thuật.

Nhận xét về triển lãm tranh đặc biệt này, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết, đây là một triển lãm khá đặc biệt và gây dấu ấn của báo chí Việt Nam. Báo chí bây giờ chủ yếu dùng ảnh minh họa, nhưng báo Nhân Dân hằng tháng đánh giá cao vai trò của họa sĩ và quy tụ được các họa sĩ tên tuổi. Các họa sĩ đã được truyền cảm hứng từ sự trân trọng đó và hết lòng thể hiện. Riêng về chất liệu, ngày trước các họa sĩ khó khăn, thiếu vải, thiếu giấy nên hay vẽ trên giấy báo cũ như cụ Bùi Xuân Phái. Bây giờ vẽ trên giấy báo cũ là một sự gắn kết hết sức chặt chẽ giữa báo và các họa sĩ. Đó là một mối lương duyên tốt đẹp giữa báo và các họa sĩ. Với tôi nghệ thuật là một cái gì đó gắn kết giữa đời sống và con người. Những bức tranh của tôi vẽ trong cuộc triển lãm này thể hiện sự gắn kết đó qua cái nhìn lạc quan, tích cực của mình về đời sống. Đó là bức tranh về ba mẹ con hay bức tranh về tình bạn diễn tả vẻ đẹp của của đời thường, dụng dị nhưng toát lên niềm yêu sống.

Tranh của Đào Hải Phong


Còn họa sỹ Đào Hải Phong cho biết, ý tưởng của triển lãm rất hay. Họa sĩ vẽ trên giấy báo cũ là sáng tác trên một nền tảng văn hoá nên rất có cảm xúc, có nhiều sự lựa chọn để làm nổi bật lên măng-sét của tờ báo, từ đó tạo điều kiện cho họ nghĩ về những yếu tố đã làm nên thành công của tờ báo qua bao năm tháng. Tôi nghĩ Ban Biên tập nên duy trì ý tưởng đó, có thể vài năm tổ chức lặp lại một lần. Sau này, có thể khuyến khích họa sĩ vẽ minh họa cho ấn phẩm trên nền báo cũ. Trong ba tác phẩm tham gia triển lãm của tôi, “Cánh đồng đoàn kết” là cái tên đặt sát với chủ đề, được thể hiện qua hình tượng cái cây. Sự đoàn kết, thống nhất của ba miền thể hiện trong “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Khi được trang báo in với rất nhiều chữ làm nên, nó mang ý nghĩa đó là cánh đồng bội thu của chữ nghĩa.

Tác phẩm của Hoàng Phượng Vỹ


Ở bức thứ 2, “Nhân dân hăng hái đi bầu tổ trưởng dân phố, tôi vẽ mái nhà Hà Nội, có lá cờ tung bay ở cửa sổ. Căn nhà nơi phố cổ Hà Nội, có sự giao thoa giữa mới - cũ giữa mái cũ rêu phong và phong trào hoạt động của người dân phố cổ. Với bức tranh vẽ trên nền báo Nhân Dân hằng tháng cũ (ấn phẩm có hàm lượng văn hoá văn nghệ nhiều nhất, tôi chọn thể hiện mt hình ảnh trẻ trung, tươi mới, không liên quan tới những chủ đề nặng nề, cũ kỹ.

Theo tôi, những bức tranh tham gia triển lãm này, dù vẽ bằng chất liệu gì (sơn dầu, bột màu...) cũng nên gọi chung bằng một cái tên: chất liệu tổng hợp trên nền báo Nhân dân cũ. Vì những khoảng hở, những chi tiết cấu thành nên trang báo (tranh, ảnh minh họa, chữ in, ít bài, nội dung bài...) đều trở thành chất liệu sáng tác cho họa sĩ. Tên chung ấy cũng giúp khẳng định thông điệp của triển lãm.

Họa sĩ Đinh Quân cũng chia sẻ, người nghệ sĩ sáng tác nhờ bắt được một câu, một chữ hay cảm xúc bất chợt từ chính lòng mình. Khi đứng trước một trang báo với rất nhiều nội dung, nhìn một title, một ảnh là gợi ý, tứ. Bố cục được săn tìm ngay trên những mảng màu đậm, nhạt có sẵn, từ đó thiết lập ra những hình ảnh trong đầu mình.

Tranh của họa sĩ Đinh Quân


Tôi đã vẽ rất nhiều tác phẩm, rồi chọn được ba bức ưng ý nhất. Bức “Hoan ca” vẽ chín cô gái hát. Xuất phát từ trang báo có nhiều nội dung vui vẻ, màu sắc tươi mới, thấy trong lòng rất vui nên nghĩ tới một khúc hoan ca. Bức “Vết thương” vẽ hai người trong một thể thống nhất, màu sắc lãng mạn, ngọt ngào, tạo hình kiêu hãnh, nhưng ánh mắt hai người nhìn sang hai phía như những vết cắt, vết cứa. Vì thế nó vẫn là một vết thương. Bức “Tỏ tình” vẽ trên trang báo Nhân Dân hằng tháng sạch sẽ, đẹp đẽ mang lại cảm giác trinh nguyên nên tôi chọn thể hiện hai gương mặt tuổi 16. Giữa trang tôi tận dụng vết gấp vẽ một bông sen mùa hè mới nở. Hai khuôn mặt được vẽ rất kiệm, trên nền trang báo được để nguyên.

Theo Ban tổ chức, sau triển lãm những bức tranh sẽ tiếp tục có cuộc sống mới của mình, khi ban tổ chức, qua sự đồng tình của các họa sĩ, trao tặng lại cho Bảo tàng Báo chí (thuộc Hội nhà báo Việt Nam) và phòng truyền thống Báo Nhân Dân. Sức sống của những trang báo, những câu chuyện, những hồi ức xưa còn được nối dài mãi mãi, được lan tỏa xa hơn ngay giữa những ngày thường nhiều tâm tư, bận rộn..., đúng như cách mà họa sĩ Đinh Quân đã tự bạch: "Sự cộng hưởng của ban tổ chức với các họa sĩ như những đốm lửa nhỏ hợp thành một ngọn lửa lớn. Trên tờ báo, các nhà báo đã sáng tạo một lần. Khi dùng nó làm nguyên liệu, họa sĩ sáng tạo thêm một lần nữa nên sự sáng tạo đã được nhân đôi. Có thể nói, triển lãm chỉ sử dụng những nguyên liệu “rẻ tiền” nhưng mang lại những giá trị phi thường và hiệu quả xã hội vô giá. Đây là một sự kiện độc đáo và rất có ý nghĩa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm tranh trên giấy báo – sống lại những trang báo cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.