(HNM) - Một phòng tranh đầy ắp tác phẩm vẽ chân dung thiếu nữ Hà thành yêu kiều trong tà áo dài truyền thống đang mở cửa tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội đến hết ngày 25-2, đã làm mê mẩn không ít người yêu tranh. Theo GS Hoàng Như Mai, đó mới chỉ là một phần tác phẩm của
Tác phẩm “Thiếu phụ và mùa xuân” của cố họa sĩ Lê Năng Hiển. |
Triển lãm "Thiếu nữ mùa xuân" do gia đình và Hội Mỹ thuật Việt Nam thực hiện theo nguyện ước của cố họa sĩ Lê Năng Hiển (Zuy Nhất). Phòng tranh ở tầng 2 nhà triển lãm, trưng bày khoảng 50 bức, đa phần là mỹ nữ với nhiều chất liệu: Lụa, sơn mài, sơn dầu, phấn màu… Tất nhiên, tranh lụa chiếm đa số bởi đó là sở trường của ông, khiến người xem mê mẩn, say sưa. Cuộc đời Lê Năng Hiển là một hành trình nghệ thuật trải dài, phát huy hết tố chất của một nghệ sĩ đa tài. Ông đã từng là một kịch sĩ tài ba, một mình diễn cả 8 vai trong một vở kịch, đóng vai nữ, vai nam đều được tán thưởng.
Ông nghiên cứu lịch sử, viết truyện ký lịch sử có tranh minh họa, được giới sử học và GS Phan Huy Lê nhận xét: "Đọc những trang viết của Lê Năng Hiển giúp người xem tranh hiểu sâu sắc hơn về cảm nhận của họa sĩ về lịch sử và càng nâng cao hơn sự thưởng thức tác phẩm tranh lịch sử". Ông vào nghề vẽ và đi suốt cuộc đời với hội họa bằng sự cần mẫn hiếm có. Ban đầu ông tham gia vẽ tranh cổ động trong kháng chiến chống Pháp. Sau Giải phóng Thủ đô, ông chuyển sang vẽ mỹ nữ.
Con gái út của ông nói rằng, có thể vì thời đó khan hiếm nguyên liệu vẽ, nên ông chọn lụa cho dễ kiếm. Dù cho sau này có đầy đủ các chất liệu khác để sáng tác, nhưng tranh lụa của Lê Năng Hiển vẫn luôn được đánh giá cao. Ông được thừa nhận là một trong những nghệ sĩ sáng tác tranh lụa hàng đầu của Việt Nam. Những tác phẩm của ông được các nhà đấu giá quốc tế như Sotheby's mua và bán với giá rất cao, được giới sưu tập thế giới săn lùng không thua gì tranh của Mai Trung Thứ hay Lê Phổ.
Tại triển lãm này, công chúng được thưởng lãm những tác phẩm ông sáng tác 10 năm trở lại đây, trước khi ông ra đi năm 2014 và các bức ông vẽ người thân, bạn bè còn lưu giữ. 70 năm sáng tác tranh, Lê Năng Hiển có thói quen sáng tác đến đâu, bán đến đó, không thì đem tặng "để có thể làm mới mình" như ông tự nhủ. Người xem mê mải qua những bức "Bà em tôi", "Thiếu nữ và hoa đào", "Thiếu nữ Hà Nội", "Thiếu nữ mùa xuân", "Tuổi 17", "Thiếu phụ và mùa xuân", "Trầm tư", "Hong tóc", "Thiếu nữ cầm quạt", "Tắm suối", "Giao thừa"… để ngắm nhìn những thiếu nữ đậm chất Hà thành, trong tà áo dài, nhiều bức mà chỉ chất liệu lụa được sử dụng tài tình mới tạo được màu sắc trong suốt, mềm mại, mới tôn lên vẻ đẹp yêu kiều nên thơ đến thế.
NSND Hà Bắc chia sẻ: "Tôi thật ấn tượng trước những bức tranh nền nã nhưng sâu lắng của ông, những hình tượng phụ nữ mang tâm hồn Hà Nội". Tranh của Lê Năng Hiển còn ẩn nhiều nét truyền thống và những câu chuyện lịch sử, kể cả tranh phụ nữ, chẳng hạn "Ca trù", "Tam tấu", "Tứ tấu", "Hòa đàn", "Hát cửa đình", "Kiều", "Bức tranh Quận chúa", "Công chúa Thiên Thành"… Triển lãm cũng giới thiệu một mảng tranh được đánh giá cao của ông là tranh lịch sử, chủ yếu là các bản vẽ lụa, nhiều trong số đó đã được vẽ khổ lớn với chất liệu sơn mài, sơn dầu… trưng bày tại các bảo tàng lớn của Việt Nam: "Chiến thắng Bạch Đằng giang", "Trận Ngọc Hồi - Quang Trung đại phá quân Thanh"…
Ở triển lãm, lúc nào cũng gặp người nhà của cố họa sĩ, là bà Lê Thị Ngoại, người bạn đời của ông, hay 3 cô con gái thay phiên nhau sẵn lòng trò chuyện với người xem về cuộc đời nghệ thuật, từng bức vẽ của ông, giở từng cuốn kỷ yếu tranh để giới thiệu nhiều tác phẩm chưa thể trưng bày. Bên ông có những người phụ nữ như thế, làm sao mà tranh vẽ về phụ nữ lại không tuyệt vời!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.