(HNM) - Hôm qua, 9-10, Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô lần thứ 43 - năm 2012 kỷ niệm 58 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, kỷ niệm 40 năm Chiến thắng
Lượng tác phẩm nhiều nhất từ trước đến nay (245 bức tranh vẽ, 23 tác phẩm điêu khắc) được giới thiệu cùng lúc ở trung tâm Thủ đô, dễ cho công chúng tìm đến chiêm ngưỡng. Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm nào cũng đáng được coi là cuộc trình diễn lịch sử Hà Nội bằng tranh, dù mỗi năm là góc tiếp cận khác nhau. Năm nay, "Hồ Gươm xanh" (sơn dầu, Hoàng Định) mượn ánh sáng của đèn đêm để khắc họa màu xanh thẫm mê hoặc của "con hồ" huyền thoại. Những bông hoa tươi thắm hiện lên từ "Vườn hoa con cóc bên Hồ Gươm" (acrylic, Ngọc Linh). "Thu Hà Nội" (acrylic, Bùi Trung Hà) cho người xem cảm nhận nhiều hơn về chiều sâu Hà Nội. Những mái phố, ô cửa nhà tập thể vẫn thấy trong "Quán Hà Nội" (lụa, Ngô Kim Ngân), "Bình yên" (acrylic, Trần Từ Thành), "Nhà tập thể" (sơn dầu, Ngô Huy Ngọc). Thiếu nữ Hà thành thanh lịch, duyên dáng ở "Xuân Hà Nội" (sơn mài, Trịnh Thanh Hùng), "Thu xưa" (lụa, Nguyễn Thụ)...
Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2012 Giải A: "Bài ca chiến thắng" - sơn dầu, Đỗ Trung Kiên; Giải B: "Sức sống" - sành, Phạm Quốc Anh; "Hà Nội tháng Chạp 1972" - tổng hợp, Trịnh Bá Quát; Giải C: "Công trường ngày mới" - sơn dầu, Nguyễn Văn Đức; "Cuối ngõ" - sơn dầu, Nguyễn Đình Tiến; "Khoảng lặng" - sơn dầu, Trịnh Ngọc Liên. |
Đề tài về "Điện Biên Phủ trên không" chưa bao giờ có được lượng tác phẩm dồi dào, đa dạng như lần này (17 tác phẩm). "Bài ca chiến thắng" (sơn dầu, Đỗ Trung Kiên) không chỉ đẹp về màu sắc, bố cục, chỉ riêng ý tưởng mượn cánh chim bồ câu bay trên trận địa pháo đã xứng đáng được trao giải nhất. "Hà Nội tháng Chạp 1972" (tổng hợp, Trịnh Bá Quát) là lát cắt tái hiện gương mặt người Hà Nội bừng bừng khí thế chiến đấu… Không có gì ngạc nhiên khi nhiều giải cao thuộc về đề tài "12 ngày đêm" của quân và dân Thủ đô.
Chủ đề Hà Nội mở rộng, với những làng quê, cánh đồng mướt mắt không còn lạ với người xem, nhưng vẫn có sức hút đáng kể , từ "Đến hẹn lại lên" (gò đồng, Lê Hồng Yến) đến "Làng Mông Phụ" (sơn mài, Hoàng Hữu Vân), "Một thoáng Cự Đà" (sơn mài, Ngô Anh Tuấn). Nhịp sống đô thị hiện đại được nhiều họa sĩ phản ánh sinh động, có thể kể "Thành phố" (sơn dầu, Vũ Công Thương), "Công trường xây dựng cầu Nhật Tân" (sơn dầu, Phạm Minh Tuân)... Mảng điêu khắc năm nay có bước tiến đáng kể với những tác phẩm nổi bật, được giải cao như "Sức sống" (sành, Phạm Quốc Anh); "Hồn phố" (gốm, Lưu Thanh Lan); "Giấc mơ trẻ thị thành" (gò đồng, Nguyễn Đức Thọ); "Trăng non" (gốm, Nguyễn Xuân Thủy).
Họa sĩ Phạm Kim Bình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội không giấu nổi niềm vui, theo đánh giá của bà, tác phẩm mỹ thuật trong những năm gần đây cho thấy rất rõ sự khởi sắc. Trường phái hiện thực được nhiều nghệ sĩ lựa chọn, tạo thành nét riêng cho hội họa Hà Nội bên sự hiện diện của trường phái trừu tượng và điều đó tạo nên điểm nhấn trong sự đa dạng của mỹ thuật Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.