(HNMO) - Triển lãm hàng không Dubai năm nay vừa khai mạc chính thức với kì vọng sẽ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Dự kiến sẽ có hơn 1.100 đơn vị với 65.000 khách hàng thuộc khối thương mại tham dự. Theo các nhà phân tích, những hợp đồng khí tài quốc phòng sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong đợt triển lãm này do những tranh chấp tại Yemen và Syria ngày càng leo thang.
Thủ tướng UAE kiêm nhà lãnh đạo Dubai Mohammad bin Rashed al-Maktoum khai mạc triển lãm hàng không năm nay.
Một chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates. Các nhà phân tích cho rằng các hợp đồng mua sắm dân dụng cỡ lớn trong triển lãm năm nay sẽ không nhiều do các hãng hàng không vùng Vịnh đã có ít nhất 750 hợp đồng các loại máy bay thân rộng được kí kết từ trước.
Tuy nhiên, các nhà tổ chức cho biết triển lãm năm nay đã khởi động khá tốt. Riêng trong ngày đầu tiên, nhiều hợp đồng trị giá lên tới 30 tỷ USD đã được kí kết.
Riêng Boeing đã có hợp đồng sản xuất 75 chiếc 737 cho hãng hàng không Jet Airways của Ấn Độ. Tổng trị giá lô hàng này lên tới 8 tỷ USD.
Về phần mình, UAE cũng sẽ mua hai máy bay trinh sát quân sự Global 6000 của Saab đồng thời tiến hành nâng cấp hai chiếc mà họ đang có với chi phí lên tới 1,27 tỷ USD.
Đội bay biểu diễn Al-Fursan của không quân UAE. Như mọi năm, các sản phẩm quốc phòng vẫn chiếm một nửa không gian triển lãm.
Một chiếc máy bay tiêm kích F-16. Theo các nhà phân tích, những nước vùng Vịnh sẽ chi nhiều tiền cho các hợp đồng khí tài quân sự tại triển lãm năm nay trong bối cảnh chiến tranh tại Yemen và Syria đang leo thang.
Mẫu máy bay chiến đấu hiện đại F-22 Raptor của Mỹ đã có màn biểu diễn đầy ấn tượng tại triển lãm. Tuy nhiên, cường quốc quân sự này sẽ không bán chúng cho các khách hàng hải ngoại nhằm giữ bí mật về công nghệ tàng hình cũng như các tính năng của F-22 Raptor.
Một khách tham quan xem xét cận cảnh chiếc trực thăng tấn công Apache của Mỹ. Trong triển lãm năm nay, Boeing hi vọng sẽ nhận được thêm các đơn hàng cho mẫu trực thăng cỡ nhỏ AH-6i - loại khí tài mà hãng đã cung cấp cho cả Jordan và Ả-rập Xê-út.
Đội bay biểu diễn Frecce Tricolori của không quân Ý trên bầu trời Dubai. Loại máy bay được họ sử dụng là Aermacchi MB-339 sử dụng cho mục đích huấn luyện.
Boeing dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 50 chiếc Bell Boeing V-22 Osprey trong bốn năm tới - với một nửa sẽ được bán cho các nước vùng Vịnh. Đây là loại máy bay với cánh quạt thay đổi góc vận hành cho phép cất cánh thẳng đứng.
Một chiếc tiêm kích Rafale của Pháp. Ai Cập đã mua 24 chiếc với hợp đồng trị giá 5,6 tỷ USD ngay hồi đầu năm 2015.
"Nhu cầu máy bay tại thị trường Trung Đông là rất rõ nét. Chúng tôi nhắm tới việc đem tới cái nhìn tổng thể về các sản phẩm có mặt tới với khách hàng tại đây" - đại diện Michele van Akelijen của đơn vị đồng tổ chức F&E Aerospace phát biểu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.