(HNM) - Hai dự án lớn tại khu vực hồ Xuân Khanh, thuộc thị xã Sơn Tây được cấp thẩm quyền phê duyệt đã nhiều năm, từng được kỳ vọng mang lại nguồn thu, sự thay đổi về tỷ trọng cơ cấu ngành nghề cho địa phương, song đến nay chỉ hoạt động cầm chừng, gây nhiều bức xúc cho người dân…
Dự án khu chăn nuôi tập trung. |
Năm 2006 và 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra quyết định thu hồi 901.063,7m2 đất nông nghiệp, lâm nghiệp, phi nông nghiệp tại xã Xuân Sơn, phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây) để thực hiện dự án (DA) khu du lịch sinh thái vùng hồ Xuân Khanh và khu chăn nuôi tập trung. Đến nay, cả hai DA đã giải phóng mặt bằng và dựng hàng rào giữ đất, song cả hai DA này đều triển khai quá chậm. DA chăn nuôi tập trung do chủ đầu tư là HTX Chăn nuôi dịch vụ Xuân Khanh mới xây dựng được 1 nhà quản lý điều hành, 2 chuồng trại chăn nuôi đang làm dở và 1 ao xử lý chất thải. Đầu năm 2012, UBND thị xã Sơn Tây đã thành lập tổ kiểm tra hoạt động của DA và nhận thấy DA đang gặp rất nhiều khó khăn: Ban Quản trị hạn chế về năng lực chỉ đạo, thậm chí có biểu hiện vi phạm quy định của pháp luật trong điều hành; nhiều mâu thuẫn trong nội bộ không thể tự giải quyết; huy động vốn của Ban Quản trị HTX tùy tiện; hạch toán kế toán và chi thưởng không đúng quy định… Ông Phạm Xuân Hùng, Chủ tịch UBND phường Xuân Khanh cho biết: Trong rất nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân địa phương đều kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, ra quyết định thu hồi đất, thu hồi DA vì hoạt động đình trệ. Còn DA khu du lịch sinh thái vùng hồ Xuân Khanh đầu năm 2011 mới xây dựng được 1 nhà điều hành, một số hạng mục nhỏ, trồng thêm cây xanh… DA đã nhiều lần được cơ quan chức năng gia hạn và giữa năm 2011, Sở Kế hoạch - Đầu tư ra văn bản số 363/TB-KH&ĐT, thông báo DA được đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai?
Trước thực trạng này, ngày 16-5, ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây nêu quan điểm: UBND thị xã cố gắng duy trì để DA khu chăn nuôi tập trung tiếp tục được thực hiện vì chủ DA đã đầu tư số vốn khá lớn để GPMB; hơn nữa đây là một mô hình giết mổ tập trung mà thị xã Sơn Tây chưa có. Đối với DA khu du lịch sinh thái, UBND thị xã Sơn Tây đề nghị các sở, ngành thường xuyên kiểm tra, đối chiếu cam kết của chủ đầu tư về tiến độ thực hiện DA để có biện pháp xử lý kịp thời…
Hàng trăm hécta đất đã không thể sinh lời vì DA triển khai với tốc độ "rùa bò" và liệu việc xây dựng một số hạng mục của hai DA có phải để đối phó? Luật Đất đai, Luật Đầu tư hiện hành đều quy định: Đất được giao, cho thuê thực hiện DA sử dụng chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong DA đầu tư sẽ bị xem xét thu hồi và DA được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau 12 tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng, thì bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư… Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, sớm có biện pháp xử lý để diện tích đất nói trên được sử dụng hiệu quả trên thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.