(HNM) - Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" có vai trò quan trọng, tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo sở, ngành, địa phương đều khẳng định quyết tâm triển khai thực hiện toàn diện và hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU vào cuộc sống.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ:
Tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt
Triển khai Chương trình số 04-CTr/TU, ngành Nông nghiệp Thủ đô xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng gắn với quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Cùng với đó là tập trung xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa 5 “nhà”: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ngành cũng sẽ thúc đẩy chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống; nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, ưu tiên những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao; gắn phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Hà Nội cũng đặc biệt chú trọng cơ cấu, tổ chức lại các hợp tác xã, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; tiếp tục hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân. Thành phố sẽ quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai; công khai quy hoạch đất nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư sản xuất; xây dựng chính sách ưu đãi để thúc đẩy quá trình thuê, góp đất trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh:
Phát triển kinh tế làng nghề xanh, thân thiện môi trường
Huyện Thường Tín có quần thể di tích lịch sử văn hóa đồ sộ với hơn 450 di tích, trong đó có 108 di tích đã được xếp hạng và là vùng đất khoa bảng. Toàn huyện cũng có 126 làng nghề, trong đó có 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống, nhiều làng nghề nổi tiếng như: Lược sừng Thụy Ứng, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động...
Để triển khai hiệu quả Chương trình số 04-CTr/TU, Thường Tín sẽ nỗ lực phát triển nền kinh tế làng nghề xanh, thân thiện với môi trường, qua đó khai thác hiệu quả du lịch làng nghề gắn với văn hóa đất khoa bảng. Huyện sẽ tiếp tục đầu tư hỗ trợ đào tạo, nhân cấy và nâng cao tay nghề cho lao động theo hướng thiết thực, hiệu quả; tạo điều kiện về vốn, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; xây dựng thương hiệu tập thể cho một số làng nghề. Cùng với việc đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế từ làng nghề, Thường Tín đề ra mục tiêu, đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường...
Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí:
Nhiều giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP
Một trong những điểm nổi bật, cốt lõi của Chương trình số 04-CTr/TU là phát triển kinh tế nông thôn. Trong đó, Chương trình đặt mục tiêu mỗi năm sẽ phát triển, nâng cấp, đánh giá phân hạng sản phẩm chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để đến cuối giai đoạn 2021-2025, Hà Nội sẽ có thêm ít nhất 2.000 sản phẩm OCOP.
Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu cho thành phố trong tổ chức thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ tiếp tục làm tốt công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; tổ chức thường niên các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế. Đồng thời, giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP định kỳ hằng năm thông qua việc kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm chất lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, thành phố sẽ bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn từ chủ thể sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng về Chương trình OCOP để kích thích liên kết, tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất...
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung:
Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, năm 2021, Ba Vì sẽ chủ động khai thác mọi tiềm năng và lợi thế để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản phải đạt tổng giá trị sản xuất 12.000 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2020.
Huyện cũng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; phấn đấu đánh giá, xếp hạng cho 31 sản phẩm thực phẩm đạt OCOP trong năm 2021, nâng tổng số sản phẩm trên địa bàn huyện được chứng nhận lên 78 sản phẩm... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo 9 xã nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2021, tạo tiền đề sớm về đích huyện nông thôn mới.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương:
Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật
Trong Chương trình số 04-CTr/TU đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ được triển khai trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất (nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch…).
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật với định hướng sản xuất chất lượng cao, chế biến sâu; sản xuất theo quy hoạch và nhu cầu của thị trường; phát triển các mô hình nghiên cứu, lai tạo giống mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; xây dựng vườn ươm công nghệ cao…
3 nhóm chỉ tiêu; 21 đề án, kế hoạch của Chương trình số 04-CTr/TU
3 nhóm chỉ tiêu:
* Xây dựng nông thôn mới
Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
* Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn
- Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm từ 2,5 đến 3,0%.
- Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%.
- Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên.
- Triển khai Đề án “Trung tâm Thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội”.
- Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
- Thành phố công nhận thêm hơn 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường.
- Phấn đấu có trên 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
* Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân
- Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 đến 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 đến 60%; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên.
- Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 65%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt từ 86 đến 88%; tỷ lệ trường công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80 đến 85%; duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số thôn có nhà văn hóa - khu thể thao.
- Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 1 điện thoại thông minh (Smartphone) đạt 95% trở lên; tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng đạt 100%.
- Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 100%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý bảo đảm tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải đạt 100%.
21 đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU:
Ban hành kèm theo Chương trình số 04-CTr/TU là phụ lục gồm 21 đề án, kế hoạch tổ chức thực hiện được Thành ủy phân công cho các sở, ngành chủ trì phối hợp với các huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị...
Cơ quan được giao nhiều phần việc nhất là Sở NN&PTNT với 10 nội dung như: Kế hoạch củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp; kế hoạch phát triển kinh tế trang trại bền vững; kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi; kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; kế hoạch thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm...
Các sở, ban, ngành: Du lịch, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Ban Dân tộc, Công an, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Thành đoàn, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cũng được giao thực hiện các kế hoạch, đề án có liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị mình phụ trách...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.