(HNM) - Liên quan việc đăng ký qua mạng internet và triển khai tiêm vắc xin dịch vụ
Hà Nội: 3.200 người đăng ký thành công
Ngày 29-12, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội có thông báo về việc đăng ký tiêm chủng. Theo đó, Trung tâm đã nhận 3.200 liều vắc xin Pentaxim phòng các bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - hib. Để tạo thuận lợi cho phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (số 70 Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa), Trung tâm tổ chức đăng ký tiêm chủng trực tuyến qua trang thông tin điện tử: http://www.ytdphanoi.gov.vn, bắt đầu từ 9h ngày 29-12. Kết quả, đã có 3.200 người đăng ký thành công; hệ thống phần mềm đăng ký tiêm chủng tự động đóng sau khi hết số lượng vắc xin đã được cung cấp (3.200 liều) vào thời điểm 9h03'40".
Cán bộ y tế Phòng tiêm vắc xin - Viện Kiểm định vắc xin số 1 Nghiêm Xuân Yêm tiêm vắc xin cho trẻ, sáng 29-12. Ảnh: Khánh Huy |
Trao đổi với PV Hànộimới, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm khẳng định, việc đăng ký tiêm chủng qua mạng diễn ra hoàn toàn công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng. Tại thời điểm mở hệ thống, ước tính có đến 10.000 người cùng vào chỉ trong 1 giây. Lượng người đăng ký không chỉ là người ở Hà Nội mà còn có người ở nhiều địa phương khác. Từ 7h30 ngày 30-12, Trung tâm sẽ tổ chức tiêm vắc xin dịch vụ cho những trẻ đã được cha mẹ đăng ký thành công qua mạng. Phiếu đăng ký tiêm chỉ có giá trị trong ngày hẹn, với đúng thông tin về trẻ được cung cấp trên phiếu. Những trường hợp chuyển nhượng phiếu tiêm, thông tin đăng ký không đúng tên trẻ, hoặc tên người giám hộ thì sẽ không được tiêm. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ làm thêm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu thông tin trên phiếu với giấy tờ mà người nhà mang đến.
Cùng ngày, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã khuyến cáo mỗi gia đình chỉ đăng ký tại một điểm tiêm nhưng nhiều người vẫn đăng ký tại nhiều điểm, dẫn đến số lượng "ảo", có người đăng ký được tại 2-3 nơi, có người không đăng ký được. Số vắc xin "dôi dư" do số lượng "ảo" sẽ được tập hợp cho lần đăng ký sau. Các phụ huynh đưa con đến tiêm sẽ được kiểm tra chứng minh thư, giấy khai sinh của con.
Sáng 29-12, ngày đầu tiên triển khai tiêm vắc xin dịch vụ "5 trong 1" tại phòng tiêm chủng vắc xin thuộc Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và Sinh phẩm y tế (số 1 Nghiêm Xuân Yêm, quận Hoàng Mai) diễn ra trong không khí trật tự, nghiêm túc. Được biết, phòng tiêm chủng này tổ chức đăng ký tiêm qua mạng từ cách đây 2 ngày. Tính đến 9h sáng 29-12, tại đây đã có hơn 2.000 người đăng ký cho con tiêm vắc xin Pentaxim, tuy nhiên, phòng tiêm này chỉ được phân bổ chỉ tiêu 1.300 liều.
Chiều 29-12, Bộ Y tế đã có thông báo khuyến cáo người dân nên cho trẻ đi tiêm vắc xin "5 trong 1" Quinvaxem tại gần 16.000 điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước. Theo Bộ Y tế, Quinvaxem là vắc xin an toàn, bảo đảm phòng bệnh hiệu quả. Vì vậy, phụ huynh có trẻ đến thời gian cần tiêm chủng mà chưa tiêm vắc xin hoặc chưa đăng ký được vắc xin dịch vụ thì nên đến ngay các điểm tiêm chủng tại xã, phường để trẻ được tiêm Quinvaxem kịp thời.
TP Hồ Chí Minh: Đăng ký qua tổng đài 1080
Hôm nay 30-12, TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ cho trẻ qua tổng đài 1080, chấm dứt tình trạng người dân xếp hàng dài chờ đợi tại các cơ sở y tế.
Những ngày qua, người dân các tỉnh lân cận liên tục đổ về TP Hồ Chí Minh để được đăng ký tiêm vắc xin cho trẻ. Để chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng dài đợi vắc xin, chiều 28-12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thống nhất với Tổng công ty Bưu chính viễn thông (VNPT) triển khai dịch vụ đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ qua tổng đài 1080. Theo đó, 75 cơ sở y tế trên địa bàn thành phố được tiêm vắc xin dịch vụ sẽ nhận danh sách đăng ký tiêm từ tổng đài 1080. Sở Y tế cũng quyết định cho người dân các tỉnh lân cận được đăng ký qua tổng đài 1080 để được lên TP Hồ Chí Minh tiêm chủng. Ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngày 29-12, tất cả các điểm tiêm đều treo biển thông báo chỉ tiêm cho trẻ đã đăng ký qua tổng đài 1080. Các cơ sở tiêm chủng phải tuân thủ thực hiện nghiêm túc và bảo đảm tính khách quan.
Tổng đài 1080 đã có kinh nghiệm triển khai đăng ký khám bệnh qua tổng đài liên kết với 18 bệnh viện trên địa bàn thành phố để giảm tải bệnh viện. Bà Trần Thị Thái Thanh - đại diện tổng đài 1080 cho biết: Khi đặt lịch đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ qua 1080, chúng tôi sẽ ghi âm cuộc gọi. Đây là tư liệu để đối chiếu khi phụ huynh có khiếu nại về sự cố khi đăng ký mua vắc xin dịch vụ qua tổng đài.
TP Hồ Chí Minh được phân bổ gần 17.000 liều vắc xin dịch vụ vào cuối năm 2015. Trong 2 ngày 27, 28-12, thí điểm tiêm tại một số cơ sở thì hơn 1.000 liều vắc xin đã sử dụng hết. Dự tính, số lượng này chỉ đủ đến đầu năm 2016 và tình trạng thiếu vắc xin sau đó vẫn có thể tiếp tục xảy ra. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết: "Nếu đơn vị nhập vắc xin hiện tại không cung ứng đủ, để tình trạng thiếu vắc xin kéo dài thì TP Hồ Chí Minh sẽ tìm cách chủ động để tìm nguồn cung ứng riêng. Chúng tôi sẽ tính toán, hoạch định kế hoạch đặt hàng vắc xin dựa trên số lượng trẻ sơ sinh ra đời hằng năm và nhu cầu sử dụng vắc xin dịch vụ để cân đối lượng vắc xin nhập về". Việc nhập vắc xin dịch vụ vẫn độc quyền ở nước ta, chỉ khi phá vỡ sự độc quyền, chủ động nguồn cung thì sẽ không còn xảy ra tình trạng cháy hàng hiện nay.
Vắc xin dịch vụ mới nhập về Việt Nam với số lượng ít và chưa có thống kê về tai biến. Nếu trẻ đã được tiêm 1 mũi vắc xin dịch vụ nhưng đến lịch tiêm mũi thứ hai nếu phải hoãn vì thiếu vắc xin sẽ không bảo đảm an toàn miễn dịch và gây lãng phí tiền bạc. Theo BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, năm 2015 do vắc xin dịch vụ đã cháy hàng, thành phố phải dùng 45.000 vắc xin miễn phí để tiêm cho trẻ từng được tiêm 1 hoặc 2 mũi vắc xin dịch vụ. Số tiền mà các bậc phụ huynh bỏ ra mua vắc xin không hề nhỏ, nhưng lại phải quay về sử dụng vắc xin miễn phí ở mũi tiêm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.