Trong buổi làm việc sáng 24/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Xác định trách nhiệm của các cơ quan trong tổ chức thi hành Hiến pháp
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, mục đích của Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp ngoài yêu cầu về mặt tuyên truyền, việc triển khai thi hành Hiến pháp còn nhằm xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.
Kế hoạch này còn nhằm rà soát, kịp thời điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Nhà nước cho phù hợp với quy định mới của Hiến pháp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới cho phù hợp với Hiến pháp.
Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến và rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp, Kế hoạch còn có các nhóm công việc như tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng, thực thi, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; củng cố, hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin Hiến pháp và pháp luật hiện có.
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hiện thực hóa các quy định của Hiến pháp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Do đó, việc xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp cần bám sát Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp để đảm bảo việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Đa số các ý kiến tán thành việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành Hiến pháp.
Cần thành lập cơ quan đầu mối đôn đốc, phối hợp thi hành Hiến pháp
Cho ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần tổ chức cơ quan đầu mối để chỉ đạo, điều hòa, phối hợp đôn đốc việc triển khai Kế hoạch thi hành Hiến pháp.
Thành phần của Ban Chỉ đạo cần có các thành viên của các cơ quan: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước… do một Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Đề xuất này cũng được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành.
Đồng tình với đề xuất này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, việc thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thi hành Hiến pháp sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, thi hành Hiến pháp.
Tán thành với các nội dung cơ bản trong Tờ trình về Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị trong triển khai Kế hoạch, cần ưu tiêu việc tổ chức rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến nền kinh tế.
Việc tuyên truyền Hiến pháp cần tránh hình thức, phô trương và lãng phí, cần giám sát chặt chẽ kinh phí thực hiện kế hoạch, ông Giàu nói.
Khẩn trương biên soạn tài liệu tuyên truyền Hiến pháp
Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành đề xuất tổ chức Hội nghị trực tuyến do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, nhằm đảm bảo việc tiếp cận phổ biến, quán triệt Hiến pháp hiệu quả, tiết kiệm và thiết thực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho rằng, việc triển khai thi hành Hiến pháp mới phải đảm bảo ổn định trong quản lý, điều hành các lĩnh vực của đất nước.
Cần ưu tiêu rà soát các văn bản, pháp luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, nhất là việc điều chuyển chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị.
Đa số các ý kiến bày tỏ đồng tình cao với việc tổ chức Hội nghị trực tuyến do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, với mục tiêu phổ biến, quán triệt Hiến pháp đến các cấp, các ngành đảm bảo tiết kiệm, thiết thực.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cần sớm biên soạn và ban hành tài liệu tuyên truyền về Hiến pháp và tổ chức sớm Hội nghị trực tuyến về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước đề xuất, cần rà soát, phân loại những luật trái với Hiến pháp mới để sửa đổi trước, trong đó chú trọng nhóm các luật về tổ chức, bộ máy Nhà nước và nhóm hệ thống văn bản pháp luật về quyền cơ bản, nghĩa vụ của công dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục biên soạn tài liệu, bài viết phân tích điểm mới, ý nghĩa của Hiến pháp phục vụ cho Hội nghị trực tuyến về việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, cố gắng tổ chức vào đầu tháng 1/2014.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường viết bài, tuyên truyền định hướng về các lĩnh vực của Hiến pháp.
Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết việc thi hành Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001.
Phát biểu kết thúc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội khẩn trương rà soát, hoàn thiện các văn bản kế hoạch về chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2014; kế hoạch chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và Kế hoạch thi hành Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng giao Ủy ban Pháp luật Quốc hội nghiên cứu, sớm hoàn tất dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hiệu lực thi hành Hiến pháp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.