(HNMO) – Chiều 15 -11, Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác phòng chống tội phạm và phòng chống mại dâm năm 2016, triển khai Quyết định số 29/2014/QĐ – TTg về cho vay vốn đối với người bán dâm hoàn lương.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Thượng tá Lê Huy, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thông tin về số lượng vụ việc, đối tượng vi phạm hoạt động mại dâm trong năm 2016; các giải pháp phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhất là pháp lệnh phòng chống mại dâm… Đồng thời, hội nghị cũng phổ biến các nội dung của Quyết định số 29 /2014/QĐ – TTg về cho vay vốn đối với người bán dâm hoàn lương cho các cán bộ hội về triển khai tại địa phương.
Theo Quyết định 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người bán dâm hoàn lương có xác nhận về việc không còn bán dâm của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc người đứng đầu một trong các Tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương hoặc Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Trưởng nhóm, Trưởng mạng lưới do các Tổ chức chính trị - xã hội hoặc Tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân thành lập sẽ được vay vốn.
Ngoài ra, người bán dâm hoàn lương phải có cư trú hợp pháp và sinh sống ổn định tại địa phương nơi vay vốn; có phương án sản xuất, kinh doanh và có khả năng trả nợ vay theo cam kết; là thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội; sống một mình hoặc sống cùng con chưa đến tuổi lao động hoặc sống cùng bố, mẹ, vợ, chồng, con, ông, bà, anh, chị, em ruột nhưng những người này đã quá tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động theo quy định của pháp luật.
Mức cho vay căn cứ vào nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng cá nhân, hộ gia đình và không phải thế chấp nhưng không vượt quá 20 triệu đồng/cá nhân; 30 triệu đồng/hộ gia đình. Người vay có thể vay vốn nhiều lần nhưng tổng dư nợ không vượt quá mức dư nợ cho vay tối đa theo quy định trên.
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay. Thời hạn cho vay tối đa là 60 tháng. Thời hạn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và cá nhân, hộ gia đình vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Trong giai đoạn thí điểm (2014 - 2016), thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng. Theo quyết định, từ năm 2014 - 2016, chương trình sẽ được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố. Từ năm 2017, chương trình được mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.