Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai nhiều giải pháp trợ giúp người lao động

Hiền – Quyên| 20/03/2020 21:06

(HNMO) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã, đang ảnh hưởng đến thị trường lao động, việc làm ở Thủ đô cũng như cả nước. Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng sẽ triển khai nhiều giải pháp trợ giúp kịp thời cho người lao động, doanh nghiệp bị thiệt hại.

Nhiều lao động ngành Dệt may đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Hà Nội sẽ “bơm” 1.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội diễn ra chiều 20-3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ trích ngân sách 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ kịp thời cho những người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Số tiền này được ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là 350 tỷ đồng, dự kiến sẽ được phân bổ vào tuần cuối của tháng 3-2020; giai đoạn 2 là 650 tỷ đồng, dự kiến sẽ được phân bổ trong những tháng tiếp theo.

Nguồn kinh phí này sẽ được hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn thành phố triển khai cho người nghèo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động bị mất việc làm, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay không lãi suất để khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống…

Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ, đồng chí Nguyễn Đức Chung giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, cập nhật thông tin số người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm căn cứ điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Các đơn vị, địa phương tổ chức khảo sát, đánh giá về việc làm, đời sống của người lao động, nếu điều kiện cho phép có thể hỗ trợ một phần tiền thuê nhà hoặc giảm giá tiền thuê nhà cho người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

“Quan điểm nhất quán của thành phố là vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Để đạt mục tiêu này, cả hệ thống chính trị cần nỗ lực vượt qua khó khăn”, đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Báo cáo về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, Sở đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội bàn hướng khắc phục khó khăn cho thị trường lao động, việc làm.

Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu sử dụng lao động của mạng lưới doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Căn cứ vào kết quả khảo sát, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất thêm các giải pháp cụ thể để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đề xuất 6 nhóm giải pháp trợ giúp

Không riêng thành phố Hà Nội, số lao động thất nghiệp trên phạm vi cả nước tăng nhanh. Riêng tháng 2-2020, cả nước có 47.164 người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 60% so với tháng 1 (29.839 người) và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu tháng 3 đến nay, số người nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng.

Nhằm tạo giá đỡ cho người lao động, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ngày 20-3, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ các nhóm giải pháp hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhóm giải pháp đầu tiên là đề xuất tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất với đối tượng cụ thể là người lao động bị ngừng việc, thôi việc và doanh nghiệp có nhiều lao động phải nghỉ việc, giãn việc, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Thời hạn áp dụng theo đề xuất là từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020. Nếu chính sách này được triển khai, ước tính cả nước sẽ có khoảng 1,5-3 triệu người lao động và 105.000-200.000 doanh nghiệp được thụ hưởng.

Tiếp đến là miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp cho người bị mất việc, ngừng việc do tác động của Covid-19, thời gian dự tính cũng từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020; sử dụng kết dư của quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Nhóm giải pháp tiếp theo là hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính để trả lương trong trường hợp người lao động ngừng việc tạm thời và đề xuất Nhà nước cho doanh nghiệp vay để trả lương, bảo hiểm, chi trợ cấp cho người lao động trong trường hợp người lao động phải thôi việc, mất việc.

Nhóm giải pháp cuối cùng là chính sách tín dụng với người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã... Đây là chính sách đề nghị cho các loại hình này được vay vốn để phục hồi sản xuất, hỗ trợ tìm nguyên, vật liệu, phụ liệu mới để tiếp tục tái tạo sản xuất, với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức khoảng 3,96%. Cuối cùng là có chính sách tạm hoãn đóng quỹ công đoàn cho các doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp trong từng giai đoạn.

Đón nhận thông tin này, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho hay, các nhóm giải pháp trợ giúp người lao động, doanh nghiệp được triển khai càng sớm càng tốt. Bởi, đến thời điểm này, không ít doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp ngành dệt may buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm thời cho một số người lao động nghỉ việc. Điều này khiến đời sống của một bộ phận công nhân, người lao động bị ảnh hưởng.

Còn anh Nguyễn Tuấn Anh, làm việc tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) phấn khởi cho biết, các chính sách trợ giúp sẽ là phao cứu sinh cho người lao động, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Với những giải pháp đã, đang triển khai, hy vọng đời sống của người lao động sẽ ổn định, cộng đồng doanh nghiệp sẽ sớm hoạt động ổn định trở lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai nhiều giải pháp trợ giúp người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.