Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai Luật Biên phòng Việt Nam

D.T| 03/03/2021 19:29

(HNMO) - Kế hoạch triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục đích xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương nhằm bảo đảm triển khai thi hành Luật Biên phòng Việt Nam kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.

Theo kế hoạch, các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương sẽ tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách; điều ước quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới phù hợp với Luật Biên phòng Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Biên phòng Việt Nam. Trong đó, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan trong tháng 9-2021 trình Chính phủ 2 Nghị định: (1) Quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam (quy định chi tiết khoản 4 Điều 10, khoản 2 Điều 21, khoản 2 Điều 27); (2) Quy định quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của bộ đội biên phòng (quy định chi tiết khoản 2 Điều 22).

Trong tháng 9-2021, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới và Dự án Tăng cường lực lượng; nâng cao năng lực; sửa chữa, trang bị, nâng cấp phương tiện chuyên dụng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của bộ đội biên phòng giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng phải hoàn thành xây dựng 2 thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tháng 11-2021: (1) Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng thuộc quyền trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; phối hợp giữa bộ đội biên phòng và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng (quy định chi tiết khoản 4 Điều 10, khoản 2 Điều 29); (2) Thông tư quy định hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và hình thức quản lý, bảo vệ biên giới tăng cường của bộ đội biên phòng (quy định chi tiết khoản 3 Điều 19).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Luật Biên phòng Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.