(HNM) - Ngày 26-2, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào thảo luận về lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; tổ chức bộ máy nhà nước...
Các đại biểu cho rằng, "Lời nói đầu" của Hiến pháp có vị trí, vai trò đặc biệt trong việc quy định nội dung cơ bản của Hiến pháp nên cần phải đầu tư hơn nữa, khẳng định rõ chủ thể xây dựng Hiến pháp chính là nhân dân. Góp ý vào Chương I, chế độ chính trị, các đại biểu đề nghị, Dự thảo bổ sung và phát triển nguyên tắc: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (Điều 2). Đây là điểm rất mới của Dự thảo Hiến pháp. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có quyền lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực. Góp ý trực tiếp vào Điều 10 về tổ chức công đoàn, các đại biểu kiến nghị cần tách bạch việc thành lập tổ chức công đoàn và người lao động tự nguyện tham gia vào tổ chức công đoàn…
* Trước 10-3 hoàn tất việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là mốc được HĐND-UBND quận Hoàn Kiếm đề ra. Quận cũng sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị lấy ý kiến từ cấp quận tới phường, tổ chức các hội nghị chuyên đề.
* Ngày 26-2, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến tại hội nghị tập trung khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định quyền con người và nghĩa vụ của công dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.