Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển khai hóa đơn điện tử: Rõ lợi ích và lộ trình

Hương Thủy| 05/10/2021 06:18

(HNM) - Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc triển khai hóa đơn điện tử là yêu cầu tất yếu và những doanh nghiệp tại các địa phương đã áp dụng đều khẳng định đạt nhiều lợi ích. Để tiến tới thay thế cho hóa đơn giấy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định rõ lộ trình triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc.

Sử dụng hóa đơn điện tử giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí và góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Ảnh: Ngô Hương

Tiết kiệm chi phí, sử dụng thuận tiện

Ngày 12-9-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó nêu rõ phạm vi, đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử. Theo đó, doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1-11-2020. Tuy nhiên, để triển khai Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (ngày 19-10-2020) quy định về hóa đơn, chứng từ với một số điểm mới phù hợp hơn; trong đó thời hạn bắt buộc hoàn thành chuyển đổi hóa đơn điện tử là từ ngày 1-7-2022.

Trên thực tế, thời gian qua, hóa đơn điện tử đã được triển khai ở một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Đức Huy, hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích. Đối với doanh nghiệp, sử dụng hóa đơn điện tử giúp giảm chi phí so với hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn,…). Đồng thời, khắc phục rủi ro như mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy nhờ hệ thống lưu trữ của hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử còn góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển nhanh hơn trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, sử dụng hóa đơn điện tử góp phần minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, khắc phục tình trạng gian lận, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên) và tình trạng làm giả hóa đơn. Còn Giám đốc Công ty cổ phần Vé giá rẻ (quận Tây Hồ) Nguyễn Đăng thông tin: “Doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử hơn một năm nay. Hóa đơn điện tử đã giúp tiết kiệm khá nhiều thời gian và chi phí, bởi việc gửi hóa đơn cho khách hàng được thực hiện nhanh chóng thông qua phương tiện điện tử thay vì gửi qua đường bưu điện hoặc nhà vận chuyển như trước. Ngoài ra, tra cứu hóa đơn cũng dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều”.

Thực hiện theo lộ trình

Thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt lộ trình triển khai hóa đơn điện tử theo hai giai đoạn. Giai đoạn một, từ tháng 11-2021 đến tháng 3-2022 triển khai tại 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ; giai đoạn hai, từ tháng 4 đến tháng 7-2022 triển khai tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) Phạm Quang Toàn, trong giai đoạn đầu, Tổng cục Thuế triển khai phần mềm quản lý hóa đơn điện tử trên hạ tầng kỹ thuật hiện có. Sau đó, sẽ bổ sung, nâng cấp hạ tầng cho hệ thống hóa đơn điện tử vào tháng 4-2022. Đến nay, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc cài đặt hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng triển khai, kiểm thử phần mềm quản lý hóa đơn cho 6 tỉnh, thành phố.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho hay, cùng với việc xây dựng hệ thống quy định về hóa đơn, chứng từ, Tổng cục Thuế đã khẩn trương chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu triển khai hóa đơn điện tử và phần mềm quản lý hóa đơn điện tử. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành nên Tổng cục Thuế đã sớm tổ chức cuộc họp trực tuyến với 6 cục thuế triển khai giai đoạn một. Tổng cục Thuế yêu cầu tập trung mọi nguồn lực, từ việc tham mưu với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố để thành lập ban chỉ đạo, đến tổ chức quán triệt tới từng bộ phận, từng cán bộ, công chức về kế hoạch cũng như các biện pháp thực hiện, bảo đảm triển khai hóa đơn điện tử thuận lợi, thành công.

Về phía địa phương, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, thời gian qua, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử phù hợp theo đặc điểm từng khu vực; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử với nhiều phương thức đa dạng. Cục Thuế Hà Nội cũng thường xuyên đánh giá, kiểm soát chất lượng kết nối cơ sở dữ liệu của tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử, bổ sung các đơn vị đáp ứng và loại trừ các đơn vị không đáp ứng tiêu chí. Hiện, gần 100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, trong đó có tỷ lệ lớn đã áp dụng hóa đơn điện tử thay hóa đơn giấy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển khai hóa đơn điện tử: Rõ lợi ích và lộ trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.